Bản báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc cho biết, các cá nhân và tổ chức quan tâm đến vấn đề di cư quốc tế nên ưu tiên xem xét việc củng cố nền kinh tế khu vực nông thôn tại các nước đang phát triển.

Báo cáo này cho biết, nông nghiệp, trọng tâm phát triển khu vực nông thôn, hiện đang không nhận được sự quan tâm và nguồn lực thỏa đáng. Hiện đại hóa nông nghiệp tại các vùng nghèo đói có thể đem lại những lợi ích đáng kể. Hiện đại hóa nông nghiệp sẽ nâng cao năng suất lao động và thu hút những người trẻ ở lại thay vì di cư đến các thành phố lớn.

Báo cáo nói rằng, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị có thể tạo ra những cơ hội việc làm cho những người dân nông thôn ngay tại quê nhà của mình. Điều này thực sự rất hấp dẫn đối với những cá nhân không muốn chuyển đến sinh sống ở một khu vực khác.

Nhưng trong khi các nhà tài trợ viện trợ quốc tế thường nhắm mục tiêu phát triển ở các nước nghèo như một cách để ngăn chặn dòng người di cư, thì có một số hình thức phát triển kinh tế lại khiến số lượng người dân di cư tăng lên. Lí do là khi đó họ có thể kiếm đủ tiền để trang trải chi phí cần thiết để di cư nhưng con số đó không đủ để thuyết phục họ ở lại. Ngược lại, phát triển nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ công khác ở khu vực nông thôn có thể giảm bớt tỉ lệ di dân lên các thành phố lớn.

Báo cáo “The State of Food and Agriculture 2018” mới đây của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tập trung vào các vấn đề di cư, nông nghiệp và phát triển nông thôn. 

Các tác giả của bản báo cáo này nhận thấy rằng, trong khi di cư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nó cũng có thể có những tác động tiêu cực và cũng có thể là dấu hiệu của sự thất bại trong đầu tư và phát triển nông nghiệp.

“Di cư ở khu vực nông thôn có mối liên hệ chặt chẽ không chỉ với nông nghiệp và phát triển nông thôn, mà còn với sự phát triển chung của toàn xã hội", ông José Graziano da Silva, Tổng Giám đốc FAO, cho biết.

Đi kèm với di cư đó là quá trình lao động dần chuyển từ làm nông nghiệp sang làm việc ở lĩnh vực sản xuất và dịch vụ ở khu vực đô thị, do đó góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế xã hội và phát triển con người.

“Ở nhiều nước có thu nhập cao, quá trình này đã đạt đến độ mà hoạt động kinh tế của ngành nông nghiệp và ở khu vực nông thôn chỉ có thể xảy ra khi mà có nguồn lao động nhập cư”.

Mặc dù lượng người di cư nội địa lớn hơn nhiều so với lượng người di cư quốc tế, nhưng vấn đề này lại được ít chú ý hơn hẳn. Hơn một tỷ người sống ở các nước đang phát triển đã dịch chuyển đến những khu vực khác trong nước để làm ăn sinh sống, 80% trong số họ đến từ các vùng nông thôn. Việc di cư giữa các nước đang phát triển cũng phổ biến hơn một chút so với việc di cư từ các nước nghèo sang các nước giàu.

Theo số liệu của bản báo cáo, những người đã di cư trong phạm vi đất nước của họ thì rất có khả năng sẽ di cư đến các quốc gia khác.

Hoạt động nông nghiệp là vô cùng mạo hiểm ở các nước đang phát triển, bởi khủng hoảng từ thiên tai hoặc các vấn đề do con người gây ra. Gần như chưa có một cơ chế hay chính sách nào đang được thực hiện để bảo vệ các gia đình ở khu vực nông thôn khỏi các cuộc khủng hoảng này và giúp họ vượt qua quãng thời gian khó khăn đó, báo cáo cho biết.

Ngoài ra, các khu vực nông thôn còn là nơi có rất nhiều người tị nạn trong các cuộc khủng hoảng kéo dài. Theo bản báo cáo, điều này có thể dẫn đến “những thách thức trong tương lai và các tác động tiêu cực tiềm ẩn”.

Tuy nhiên, có nhiều cách để giảm bớt các gánh nặng kể trên thông qua các chính sách tập trung vào việc cung cấp cơ hội việc làm cho người dân nhập cư và khuyến khích họ hòa nhập với xã hội mới.

Báo cáo nhấn mạnh rằng các chính sách không nên cố gắng ngăn chặn việc di cư mà nên tối đa hóa các tiềm năng và giảm thiểu các tác động tiêu cực của nó, với mục tiêu làm cho việc di trở thành một lựa chọn thay vì một điều bắt buộc phải làm để có một cuộc sống tốt hơn.

Minh Tuấn (Theo Theguardian)