Việc công bố kết quả của những cuộc điều tra này có thể thúc đẩy các cuộc tấn công chính trị tiếp theo về dân chủ ở Israel. 

Với sự kiên trì của người dân, các phong trào phản đối Chính phủ và Thủ tướng Benjamin Netanyahu tham nhũng có thể đạt được mục đích của nó là cách chức Thủ tướng Netanyahu và làm trong sạch nền chính trị của Israel.

Vào ngày 6/12/2017, Tổng thống Hoa Kỳ D.Trump chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và công bố kế hoạch chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ ở đó. Người ta có thể hy vọng điều đó sẽ mang lại hạnh phúc cho người Israel. Tuy nhiên, ngoài các phản ứng chính thức từ các nhà lãnh đạo của đất nước, phần lớn người dân Israel đã im lặng với quyết định về Jerusalem.

Thay vào đó, ngay trong tháng 12/2017, người Israel đã xuống đường biểu tình để chứng minh rằng việc cáo buộc Thủ tướng Benjamin Netanyahu và hệ thống chính trị tham nhũng là vấn đề được người dân quan tâm hơn.

Trong một khoảng thời gian ngắn, có vẻ như quyết định về Jerusalem của Tổng thống D.Trump đã giúp ông Netanyahu cứu vãn được danh dự. Theo giới báo chí, từ Haaretz là báo lề trái đến Maariv là báo lề phải, cho thấy giới truyền thông đã nhanh chóng công nhận thời điểm Tổng thống D.Trump tuyên bố là vận may chính trị của ông Netanyahu.

Các cuộc thăm dò dư luận cho biết, sau một thời gian dài liên tục bị suy giảm uy tín trong năm qua, từ ngày 1/12/2017 đến ngày 1/1/2018 thì sự ủng hộ của công chúng cho đảng Likud do ông Netanyahu lãnh đạo đã tăng lên, đạt đến mức của cuộc bầu cử năm 2015. Điều này đã giúp cho Chính phủ liên hiệp của ông Netanyahu được bảo đảm thoát khỏi những đe dọa buộc phải bầu cử sớm từ các đối tác liên minh cơ sở, bắt đầu vào tháng 11.

Tuần thứ 10 của cuộc diễu hành biểu tình được tổ chức trên Đại lộ Rothschild, đối diện ngôi nhà của ông trùm kinh doanh Cobi Maimon

Các cáo buộc tham nhũng thách thức Chính phủ Israel

Hiện nay mối đe dọa chính trị lớn nhất của Thủ tướng Netanyahu không phải là từ Knesset (Quốc hội của Israel hiện đại, được thành lập vào năm 1949, gồm có 120 thành viên được bầu 4 năm 1 lần), mà là từ phong trào chính trị ở cơ sở đang gia tăng. 

Thủ tướng đang phải đối mặt với 3 cuộc điều tra độc lập về tham nhũng và xung đột lợi ích. Nhiều cáo buộc chống lại ông bao gồm việc không công khai quà tặng từ các cá nhân trong các doanh nghiệp và can thiệp vào quá trình đấu thầu mua sắm tàu ngầm Đức của Bộ Quốc phòng Israel.

Gia đình của Thủ tướng Netanyahu cũng bị giám sát chặt chẽ. Vợ ông, bà Sara bị buộc tội sử dụng sai công quỹ. Con trai ông, Yair hầu như liên tiếp dính líu đến các vụ bê bối. 

Mặc dù những vụ bê bối này không liên quan đến ông Netanyahu, nhưng chúng được nhiều người coi như một dấu hiệu của tham nhũng và thiếu đạo đức trong gia đình và trong Chính phủ dưới sự lãnh đạo của ông Netanyahu.

Người dân Israel biểu tình tại Quảng trường Habima

61 tuần diễu hành phản đối tham nhũng

Các cuộc biểu tình phản đối tham nhũng liên quan đến ông Netanyahu và Chính phủ bắt đầu vào tháng 11/2016 dưới dạng các cuộc biểu tình nhỏ lẻ, diễn ra hàng tuần. Diễu hành trước nhà của Tổng Chưởng lý Avichai Mandelblit ở Petach Tikva, những người tham gia đấu tranh do Meni Naftali và Eldad Yaniv dẫn đầu đã yêu cầu Tổng Chưởng lý Mandelblit mở một cuộc điều tra hình sự đối với Thủ tướng Netanyahu. Đến tháng 5/2017, những người tham gia tạo thành đám đông lên đến con số hàng trăm người mỗi tuần.

Vào cuối năm 2017, Đảng Likud và ông Netanyahu đã thúc đẩy thông qua Luật Khuyến nghị Cảnh sát nhằm ngăn chặn cảnh sát công bố kết quả trong cuộc điều tra những cáo buộc đối với Thủ tướng. 

Những người biểu tình mô tả luật này như là một nỗ lực để miễn trừ tội tham nhũng cho ông Netanyahu và đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Do vậy, các cuộc biểu tình ở cơ sở đã tăng lên và chuyển hướng đến Tel Aviv, trung tâm đầu não của Israel.

Vào ngày 2/12, cuộc biểu tình đã thu hút gần 20.000 người tham gia, yêu cầu Knesset không thông qua luật này và Thủ tướng Netanyahu phải bị đưa ra tòa.

Người Israel tham gia một cuộc biểu tình dưới tên “March of Shame” để phản đối Chính phủ và Thủ tướng Benjamin Netanyahu tham nhũng vào ngày 2/12/2017 tại Tel Aviv

Một tuần sau đó, hàng chục nghìn người Israel đã đổ xuống các đường phố Tel Aviv để phản đối tham nhũng ngày càng gia tăng trong hệ thống chính trị của Israel. Những người biểu tình khá bình tĩnh và hô vang khẩu hiệu “Chúng tôi đang chán ngấy với những kẻ tham nhũng” và “Tham nhũng, hãy biến đi”. Các nhân vật hàng đầu trong vụ phản đối Chính phủ Israel, bao gồm cả người đứng đầu Liên minh Do thái, Avi Gabbay, và người đứng đầu Meretz, Zehava Gal-On, với danh nghĩa phi đảng phái đã tham gia vào các cuộc biểu tình này.

Vào ngày 23/12, phong trào này đã có một bước ngoặt quan trọng. Yoaz Hendel, một nhà sử học cánh hữu và là Chủ tịch Viện Chiến lược Do Thái, bắt đầu một cuộc biểu tình tương tự ở Jerusalem, song song với cuộc phản kháng tương tự ở Tel Aviv. 

Những người biểu tình đã tham gia cùng với cựu Bộ trưởng Quốc phòng của Đảng Likud, ông Moshe Ya'alon, người đã cảnh báo rằng "tham nhũng ở đất nước này hiện đã nguy hiểm hơn Iran". Ông đã tham gia cùng với nhiều thành viên đảng Kulanu của Quốc hội trong liên minh cầm quyền của đảng Likud. Cuộc biểu tình cánh hữu ở Jerusalem cho thấy niềm tin của sự cần thiết phải làm trong sạch hệ thống chính trị của Israel nhưng cũng làm tăng thêm sự chia rẽ quyền lực của Israel trong tương lai.

Một nghiên cứu về phong trào xã hội và tôn giáo của Israel nhằm tác động đến các chính sách của Chính phủ cho thấy các phong trào có lãnh đạo minh bạch và được tổ chức theo cấp bậc sẽ thành công hơn trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự và có nhiều khả năng gây ảnh hưởng đến quyết định và phân bổ nguồn lực của Chính phủ hơn.

Yoaz Hendel, Chủ tịch Viện Chiến lược Do Thái, đã tổ chức một cuộc phản đối Chính phủ Israel tham nhũng tại Jerusalem vào ngày 23/12

Cũng quan trọng đối với thành công của họ là khả năng hoạch định đường lối chính trị và tạo ra liên minh với các tổ chức hoặc các phong trào khác nhau trên cơ sở quan điểm chính trị hay tôn giáo của họ. Hai ví dụ điển hình trong phong trào thành công theo phương thức này là phong trào Four Mothers, là một phong trào phản kháng của người Israel do 4 người phụ nữ khởi xướng năm 1997 với mục đích đưa Israel rút khỏi Nam Libăng; và phong trào Shas, một phong trào tôn giáo Sephardi được khởi xướng năm 1984 dưới sự lãnh đạo của Rabbi Ovadia Yosef.

Ngoài ra, các cuộc biểu tình song song được lên kế hoạch tổ chức vào thứ bảy hàng tuần, cả ở Tel Aviv và Jerusalem, cùng với các thành phố nhỏ ở Israel.

Sau 61 tuần người dân Israel diễu hành phản đối tham nhũng, căng thẳng đã bắt đầu gia tăng giữa Meni Naftali và Eldad Yaniv là các nhà lãnh đạo chính của cuộc biểu tình. Sự thành công của phong trào chống tham nhũng dựa trên khả năng duy trì sự thống nhất và thu hút sức mạnh từ đường lối chính trị. Liên minh của phe đối lập đủ sức để có thể khởi động một cuộc tấn công tham nhũng mạnh mẽ trong hệ thống chính trị.

Hiện nay có những mối liên hệ giữa các đảng phái mạnh và các chính trị gia cánh hữu, những người đang rất thất vọng với những gì họ thấy Đảng Likud đã trở thành đảng tham nhũng. 

Sự phân chia diễn ra với các chính trị gia cánh hữu và việc di chuyển đến khu vực trung tâm có thể tạo ra một hiện tượng tương tự như sự hình thành của Đảng Kadima, khiến Đảng Likud bị mất quyền lực trong những năm 2006 - 2009.

Ngọc Thông
(Washington Post)