Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình ngày 14/7 (giờ địa phương), Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói: "Chúng tôi luôn tin vào đàm phán... Nếu họ dỡ bỏ cấm vận, dừng gây áp lực kinh tế và trở lại với thỏa thuận, chúng tôi sẵn sàng tổ chức hội đàm với Mỹ hôm nay, ngay bây giờ và bất cứ nơi đâu".

Tuy nhiên, Iran khẳng định điều kiện đàm phán trước hết là mức xuất khẩu dầu phải ngang với trước khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận mà nước Cộng hòa Hồi giáo đã ký với các cường quốc thế giới, còn được gọi là Kế hoạch Hành động Chung toàn diện (JCPOA).

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran tăng cao từ năm ngoái, khi Tổng thống Donald Trump từ bỏ thỏa thuận mà Iran và 6 nước lớn ký kết, đồng thời tái áp đặt cấm vận lên Tehran vốn đã được dỡ bỏ theo JCPOA.

Để trả đũa trừng phạt của Mỹ - điển hình là nhằm vào nguồn thu nhập ngoại tệ chính của Iran từ xuất khẩu dầu thô, Tehran tuyên bố hồi tháng 5 sẽ giảm bớt các cam kết đã chấp nhận trong thỏa thuận. Mới đây, nước Cộng hòa Hồi giáo đã vượt qua mức uranium làm giàu và gia tăng dữ trữ tinh chất này. Tehran cũng thúc giục các bên châu Âu tham gia JCPOA gồm Pháp, Đức và Anh, phải giúp nước này tránh được cấm vận của Mỹ.

Thỏa thuận 2015 vốn được coi như một chiến thắng ngoại giao trước chủ nghĩa đơn phương và là một bước tiến lớn hướng tới chống phổ biến hạt nhân. Thỏa thuận hứa hẹn giúp Iran giảm bớt cấm vận, hưởng các lợi ích kinh tế và đặt một dấu chấm hết cho cô lập quốc tế, đổi lấy kiềm chế nghiêm ngặt chương trình hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, sau khi Mỹ đơn phương rút lui vào tháng 5/2018 và tái trừng phạt Iran, tương lai của JCPOA trở nên bất trắc. Khi nền kinh tế Iran bắt đầu suy yếu, Tehran yêu cầu các bên tham gia thỏa thuận, đặc biệt là Đức, Pháp và Anh phải trao các lợi ích kinh tế như đã cam kết và giúp nước này thoát khỏi cấm vận của Mỹ.

Cùng ngày 14/7, ba nước châu Âu kêu gọi nối lại đàm phán nhằm chấm dứt căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân Iran, đồng thời cảnh báo về những hậu quả từ hành động của các bên.

Theo Thanh Hảo/Vietnamnet