Khách sạn Ritz-Carlton, nơi giam giữ các nghi phạm mở cửa lại giữa tháng 2/2018.

Hoàng tử Alwaleed bin Talal, người đứng đầu Tập đoàn Đầu tư toàn cầu Kingdom Holding cùng ít nhất 6 doanh nhân khác được thả ngay sau khi cam kết hoàn trả toàn bộ số tài sản bất chính cho Chính phủ dưới dạng tiền mặt.

Khoản tiền bồi thường cao nhất là 1 tỷ USD, thuộc về Hoàng tử Prince Muttab bin Abdullah, từng là một trong những ứng viên cho ngai vàng.

Ngay sau khi thông tin được tiết lộ, giá cổ phiếu Tập đoàn Kingdom Holding tăng 10%, đẩy giá trị khối tài sản của Hoàng tử Alwalees từng sụt giảm 2,2 tỷ USD chỉ trong vài ngày khi ông này bị bắt, tăng thêm 850 triệu USD. Giá cổ phiếu của chuỗi cửa hàng thời trang Fawaz Abdul Aziz Al Hokair (thuộc Kingdom Holding) lập tức tăng 6,8%.

Chiến dịch chống tham nhũng diễn ra từ cuối tháng 11/2017 do Thái tử Mohammed bin Salman khởi xướng nhằm thu hồi toàn bộ khoản tiền 100 tỷ USD thất thoát do tham nhũng. Tuy nhiên, việc các quan chức chỉ phải bồi hoàn theo những thỏa thuận không được công bố cùng với cuộc sống không mấy thay đổi của những người có liên quan đã khiến người ta không khỏi nghi ngờ mục đích thật sự ẩn sau đó.

Nói cách khác, chiến dịch diễn ra không quyết liệt như phỏng đoán. Thực tế, 95% số người bị quản thúc được trả tự do sau khi đồng ý hoàn trả số tiền họ đã tham nhũng, 1% được tha bổng và chỉ 4% có thể sẽ xét xử. Tuy nhiên, không có bất cứ minh chứng cho việc hoàn trả đang diễn ra, trong khi 90 người đã được trả tự do từ đầu tuần.

Giới phân tích không loại trừ khả năng các nhà chức trách đang bao che, để một số người âm thầm vun vén lại tài sản.

Ngay sau khi thừa nhận cáo buộc và chấp nhận đền bù, Hoàng tử Alwaleed vẫn nắm quyền kiểm soát Kingdom Holding, Hoàng tử Walid Al-Ibrahim - chủ mạng lưới truyền hình vệ tinh MBC chỉ phải bán đi số ít cổ phần. Các doanh nhân khác vẫn có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh như chưa từng có chuyện xảy ra.

Không thể phủ nhận Ả-rập Xê-út sẽ được hưởng lợi nếu tình trạng tham nhũng được cải thiện. Tuy nhiên, những hậu quả mà nền kinh tế nói chung và khu vực tư nhân nói riêng được nhận định sẽ mất nhiều thời gian hồi phục.

Với giới chức Ả-rập Xê-út, chiến dịch này nên kết thúc càng sớm càng tốt bởi lẽ, nếu kéo dài thì việc thực hiện một trong những mục tiêu quan trọng của Chính phủ nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trở nên khó khăn hơn. Theo dự kiến, trong năm 2018, Chính phủ nước này sẽ huy động khoảng 100 tỷ USD từ việc bán 5% cổ phần Tập đoàn Dầu mỏ Nhà nước Saudi Aramco trong đợt IPO có quy mô lớn nhất trong mọi thời đại. 

Nhà nghiên cứu Ả-rập Steven Hertog tại Đại học Kinh tế Luân Đôn (Anh) cho rằng: “Đây là điều chưa từng thấy không chỉ ở Ả rập Xê-út mà còn ở toàn bộ khối các quốc gia Ả-rập (gồm 22 nước). Bất chấp việc nhận ra ảnh hưởng lâu dài của tham nhũng đến các dự án đầu tư, nhưng chắc chắn sẽ không có nhiều người sẵn sàng chiến đấu chống lại tham nhũng”.

Theo một nhân viên làm việc tại Ngân hàng Vùng Vịnh, mối quan ngại thực sự của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư trực tiếp đến từ Anh, là số phận của các đối tác nội địa trong những cuộc truy quét tiếp theo.

Thế nên, đầu tư vào Ả-rập Xê-út được xem là khá rủi ro trong thời điểm hiện tại. Nhưng xét đến cùng, việc truy tố và đưa hoàng thân hay các nhân vật có thế lực khác ra xét xử không phải là điều dễ dàng.

Trong thời điểm kinh tế khó khăn và bất lợi cho việc thanh lý bất động sản như hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu chiến dịch chống tham nhũng lần này có mang về cho ngân sách Nhà nước, dự đoán sẽ thâm hụt gấp đôi trong năm 2018, khoản tiền 100 tỷ USD như ước tính ban đầu?

Võ Như Uyên