Đáp ứng lời kêu gọi của thời đại
 
Đánh giá về kết quả thực hiện các chính sách chống tham nhũng của Chính phủ Hàn Quốc trong 2 năm qua, bà Park Un-jong cho biết, cải cách chống tham nhũng là ưu tiên số 1 trong danh sách các hoạt động quản lý nhà nước của Chính phủ. Trong bối cảnh tràn đầy hi vọng về xây dựng một xã hội minh bạch, Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in đã khởi động rất nhiều nỗ lực.
 
"Tôi nghĩ, cải cách chống tham nhũng là lời kêu gọi của thời đại. Để đáp ứng mong đợi của người dân, chúng tôi đã thực hiện cải cách các chính sách chống tham nhũng trên phạm vi cả nước và xóa bỏ nhiều hành vi không công bằng theo yêu cầu của người dân. Một thành tựu đáng chú ý trong đó là có thể khôi phục hệ thống chống tham nhũng trong các cơ quan Chính phủ. Chúng tôi đã cải thiện các luật liên quan; việc tuyển dụng, bổ nhiệm và Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều vẫn đang là mong muốn về một nền văn hóa chống tham nhũng được thiết lập trên toàn xã hội", người đứng đầu ACRC cho biết.
 
Về vai trò của ACRC trong giải quyết vấn đề tham nhũng trong công tác tuyển dụng, theo Giáo sư Park Un-jong, đây là vấn đề liên quan nhiều đến uy tín của các tổ chức nhà nước. Bước sang năm thứ 3, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đặt mục tiêu là tạo ra những thay đổi thực sự rõ nét. Các chính sách chống tham nhũng cần bắt nguồn từ toàn xã hội, để công chúng thực sự có thể cảm thấy rằng, xã hội đã trở nên minh bạch hơn.
 
Để làm được điều này, ACRC đã lựa chọn thực hiện 9 chương trình liên quan đến chống tham nhũng, trong đó bao gồm: Bài trừ tham nhũng trong tuyển sinh đại học, trốn thuế, nhận trợ cấp của Chính phủ một cách bất hợp pháp và các hành vi tham nhũng trong tuyển dụng. "Trên hết, chúng tôi đang đưa ra các biện pháp mang tính pháp lý để ngăn chặn người dân tặng quà cho các quan chức Chính phủ", bà Park nói.
 
Quan tâm tới tham nhũng trong khu vực tư
 
Trong 2 năm qua, Tổng thống Moon cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến CPI - chỉ số do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố mức điểm và xếp hạng tham nhũng hàng năm của 180 quốc gia trên toàn thế giới. Theo số liệu mới nhất được công bố tháng 2 vừa qua, Hàn Quốc đã tăng lên 3 điểm CPI so với năm trước, đạt 57 điểm (thang điểm 100), xếp thứ 45/180 quốc gia.
 
Theo nhận định của Chủ tịch ACRC, "đây là một tín hiệu tích cực rằng CPI của quốc gia vẫn đang nằm trong top 50 trong suốt 5 năm qua. Chỉ số CPI năm 2018 đóng vai trò là một bước ngoặt cho đà tăng. Tôi hiểu rằng, con số này chưa đủ để đáp ứng mong đợi của người dân, nhưng chúng ta sẽ tiếp tục cải cách để chống tham nhũng".
 
Trong khi CPI của Hàn Quốc đang trên đà tăng, nhưng so với các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), CPI 2018 của Hàn Quốc chỉ đứng ở vị trí 30/36. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để Hàn Quốc tăng thứ hạng.
 
Về vấn đề này, bà Park Un-jong cho rằng, Hàn Quốc đã có một nền tảng thể chế để chống tham nhũng. Nhưng, đã xuất hiện những lỗ hổng trong thực tế thực thi các chính sách và thể chế ở một số điểm. "Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực cải cách. Ở Hàn Quốc, các chính sách chống tham nhũng đã được thực hiện với trọng tâm là nhằm vào các quan chức nhà nước và khu vực công. Bởi vậy, một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục có các hành vi hối lộ trái phép. Chúng ta cần đưa ra những biện pháp để cải thiện các vấn đề tham nhũng trong khu vực tư nhân", bà Park nhấn mạnh.
 
Cũng theo lãnh đạo ACRC, minh bạch là điều cốt lõi. Cần phải làm cho sự minh bạch trở thành một phần trong cuộc sống. Các tổ chức không thể một mình giải quyết vấn đề, mà cần một nỗ lực tổng thể của xã hội. Chẳng hạn như, tăng cường giáo dục, tuyên truyền là một giải pháp. Và điều này cần sự vào cuộc của các phương tiện báo chí, truyền thông.
 
Đạo luật Kim Young-ran
 
Xung quanh đạo luật chống tham nhũng hà khắc của Hàn Quốc (Đạo luật Kim Young-ran), bà Park cho rằng, luật đã mang tới một bước ngoặt lớn để truyền tải tính minh bạch trong toàn xã hội. Điều này đã mang lại một sự thay đổi mô hình tổng thể trong xã hội, nơi mà văn hóa tặng quà được coi là điều hiển nhiên.
 
Đây là năm thứ 3 kể từ khi luật được ban hành. Luật Kim Young-ran đã đặc biệt nhằm vào các quan chức khu vực công. Luật cũng cho đông đảo người dân thấy được, tham nhũng là điều cần phải xóa bỏ.
 
ACRC đã thực hiện một cuộc khảo sát trên 3.000 người. Khoảng 80 - 90% số người được hỏi ủng hộ Luật Kim Young-ran. "Theo tôi thấy, hiện nay luật chống tham nhũng đã bén rễ như một phần của các quy tắc hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta", bà Park lạc quan nói.
 
Tuy nhiên, trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Hàn Quốc, có một "điểm mù" nơi mà những người dũng cảm tố cáo tham nhũng không được bảo vệ. Trong hầu hết các trường hợp, người tố cáo phải chịu sự bất lợi khi dữ liệu cá nhân của họ bị rò rỉ. Để bảo vệ quyền riêng tư của người tố cáo, ACRC chủ trương tăng cường hình phạt pháp lý đối với những người làm lộ thông tin cá nhân của người tố cáo.
 
Giáo sư Park Un-jong thuộc Đại học Quốc gia Seoul được Tổng thống Moon Jae-in bổ nhiệm làm người đứng đầu Ủy ban Chống tham nhũng và Quyền dân sự ngày 27/7/2017. Vị trí này tương đương với bộ trưởng, song không giống như các thành viên nội các, chức danh này không cần điều trần tại Quốc hội Hàn Quốc.

Hoài Phương