Các nhân viên cứu trợ quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đang phải đối mặt với các cáo buộc làm giàu cá nhân bằng chính số tiền viện trợ cho Yemen để giảm bớt khủng hoảng nhân đạo.
 
Trong khi ở Yemen, các cuộc nội chiến kéo dài hết năm này qua năm khác dẫn tới đói nghèo, thương tật, thì tham nhũng đã khiến lương thực, nhiên liệu và hàng hóa viện trợ không tới được tay những người đang thực sự cần.
 
Theo phóng viên AP, các cuộc điều tra của WHO bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái, sau khi xuất hiện cáo buộc về những sai phạm trong quản lý tài chính chống lại bác sỹ người Italia Nevio Zagaria - Trưởng đại diện WHO tại Yemen trong 2 năm, trước tháng 9/2018. 
 
Dưới sự giám sát điều hành của bác sỹ Zagaria, Văn phòng WHO tại Yemen đã xảy ra các vấn đề về tham nhũng và gia đình trị.
 
Người phát ngôn của WHO Nyka Alexander nói với Trung tâm Nghiên cứu tham nhũng và tội phạm có tổ chức (OCCRP) rằng, WHO đã tiến hành kiểm toán nội bộ từ tháng 7 - 10/2018 và phát hiện một số biện pháp kiểm soát tài chính và quản trị tại Văn phòng WHO tại Yemen là không đạt yêu cầu.
 
Sau đó, nhóm kiểm toán đã đưa ra một số khuyến nghị liên quan đến “thực hành và thay đổi trong trách nhiệm giải trình, yêu cầu phải có sự quan tâm quản lý khẩn cấp, bao gồm cả việc đình chỉ hợp đồng với một số đối tác đang triển khai tại địa phương, xác định các xung đột lợi ích và các vấn đề khác bị nghi ngờ sai phạm”, Alexander nói với OCCRP.
 
Do vậy, theo người phát ngôn WHO, một cuộc điều tra chính thức là cần thiết, trong bối cảnh phức tạp của môi trường hoạt động tại Yemen. Và thực tế, cuộc điều tra đang được tiến hành.
 
Theo AP, bác sỹ Zagaria đã thăng cấp một số nhân viên cấp dưới lên các vị trí được trả lương cao, trong khi họ không đủ tiêu chuẩn…
 
Ngoài ra, Zagaria đã thay mặt cho cơ quan phê duyệt các hợp đồng đáng ngờ không qua đấu thầu cạnh tranh và thiếu các giấy tờ hợp lý trong chi tiêu tiền.
 
Thông báo kiểm toán nội bộ của WHO công bố hồi tháng 5 đã xác nhận, việc mua hàng hóa đã được thực hiện mà không có đầy đủ minh chứng hay kiểm soát; một số giao dịch tài chính thiếu sự kiểm tra, giám sát.
 
Theo AP, ngoài Trưởng đại diện, Tamima al-Ghuly - một nhân viên của Văn phòng bị cáo buộc làm sai lệch thông tin trong bảng lương cơ quan bằng cách nghĩ ra những những nhân viên “ảo” và bỏ túi tiền thật. Trong đó, Tamima còn cho cả tên chồng mình - một thành viên của gia đình Houthi nổi tiếng - vào trong bảng lương của WHO.
 
Vào tháng 10/2018, khi các điều tra viên của UN đang chuẩn bị rời Yemen với máy tính xách tay chứa nhiều bằng chứng cho thấy các nhân viên của UN làm việc tại quốc gia này phạm tội gian lận, tham nhũng, họ đã bị bắt giữ bởi lực lượng phiến quân Houthi có vũ trang, bị tịch thu máy tính xách tay trước khi có thể lên chuyến bay rời khỏi Thủ đô Sanaa.
 
4 nhân chứng nói với AP rằng, Al-Ghuly đã báo với lực lượng Houthis về chiếc máy tính và nhắc nhở họ tịch thu để che giấu các sai phạm của mình.
 
Al-Ghuly sau đó đã bị đình chỉ công tác, nhưng không bị sa thải, theo điều tra của AP.
 
Phát ngôn viên Alexander nói với OCCRP rằng, WHO không đưa ra bình luận đối với vụ việc của từng cá nhân cụ thể, nhưng nhấn mạnh, WHO kiên định chính sách không khoan nhượng đối với những kẻ tham nhũng. Sau những tiết lộ từ cuộc kiểm toán nội bộ, WHO đã hành động theo khuyến nghị của cơ quan kiểm toán, bổ nhiệm một giám đốc quốc gia mới và cử thêm nhân viên UN đến Yemen.
 
“Cơ cấu Văn phòng quốc gia được điều chỉnh với đường lối và chức năng rõ ràng, nhằm tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và giảm sự thiếu hiệu quả trong hoạt động, quản lý”, ông Alexander nói. 
 
Trong khi đó, UNICEF cũng đang điều tra một nhân viên tên là Khurram Javed vì vai trò của người này trong việc cho phép một phiến quân Houthi cấp cao đi lại trong một chiếc xe của UNICEF, nhờ đó mà anh ta được bảo vệ khỏi các cuộc không kích của liên minh quân sự Saudi dẫn đầu hiện đang chiến đấu với phiến quân Houthi.
 
Javed cũng được cho là có quan hệ mật thiết với phiến quân Houthi.
 
Một báo cáo của UN được tiến hành bởi nhóm chuyên gia về Yemen kết luận rằng, các cơ quan viện trợ quốc tế thường xuyên phải chịu áp lực bởi lực lượng phiến quân Houthi.
 
Báo cáo cũng lưu ý rằng, một số vụ việc trong những năm gần đây đã cho thấy, các nhân viên UN đã đồng lõa trong các vụ trộm cắp viện trợ dành cho Yemen.

Hoài Phương