Quỹ quốc tế tài trợ cho các biện pháp thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu như: Năng lượng tái tạo, giao thông bền vững và các điểm tránh lũ, triều cường… dự kiến sẽ đạt mức hơn 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020. Thêm vào đó, hơn 600 tỷ USD mỗi năm sẽ được chi từ ngân sách quốc gia để ứng phó với biến đổi khí hậu.
 
Đáng lo ngại, những quỹ này có nguy cơ bị mất do tham nhũng ở những vùng đất đang cần tới chúng nhất. Các quốc gia bị tổn thương đặc biệt trước những tác động của biến đổi khí hậu thường có mức độ tham nhũng khu vực công cao hơn. Thay vì cải thiện cuộc sống của người dân, các quỹ khí hậu có thể bị chảy vào các tài khoản cá nhân hoặc chi phung phí vào các dự án phù phiếm mang lại lợi ích cho số ít chứ không phải cho đa số người dân.
 
Ngày Quốc tế Chống tham nhũng (9/12) năm nay được tổ chức trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 25 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) được tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha (từ ngày 2 - 13/12/2019). Có lẽ trong suy nghĩ của chúng ta, khí hậu và tham nhũng là 2 vấn đề riêng biệt, chẳng liên quan gì tới nhau, nhưng, thật không may, chúng lại có mối liên hệ mật thiết!
 
Rủi ro tham nhũng và ảnh hưởng quá mức trong các lĩnh vực trọng yếu
 
Thế giới cần thực hiện các bước quan trọng hướng tới một tương lai xanh hơn, bao gồm việc bảo vệ rừng, cải thiện giao thông bền vững và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Tất cả những điều này đều liên quan đến các ngành công nghiệp có rủi ro tham nhũng đặc biệt cao, như: Xây dựng, lâm nghiệp, và năng lượng. Đây là một trở ngại lớn cho những giải pháp khí hậu hiệu quả.
 
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng, 20 - 40% nguồn tài chính của ngành Nước bị mất do các hành vi tham nhũng. Tỷ lệ tương tự đối với các ngành: Vận tải và Năng lượng. Trong một số lĩnh vực, vấn đề này trở nên trầm trọng hơn bởi các hoạt động tội phạm. Đơn cử, từ 15 - 30% hoạt động khai thác gỗ trên toàn cầu là bất hợp pháp. Ở các quốc gia sản xuất gỗ lớn, tỷ lệ này có thể lên tới 50 - 90% trên tổng khối lượng của ngành lâm nghiệp.
 
Những ảnh hưởng quá mức từ lợi ích đầu tư cũng ngăn chặn các biện pháp được thực hiện để giải quyết biến đổi khí hậu. Một báo cáo gần đây cho thấy, 5 công ty dầu khí lớn nhất thế giới đã chi hơn 1 tỷ USD cho việc xây dựng thương hiệu liên quan đến khí hậu và vận động hành lang, chỉ trong thời gian 3 năm kể từ sau Thỏa thuận Paris.
 
Những người bảo vệ môi trường đang gặp nguy hiểm
 
Khi tội phạm tham nhũng mạnh lên và luật pháp yếu đi, những người đứng lên chống lại tội phạm tham nhũng đang mạo hiểm chính mạng sống của họ.
 
Tỷ lệ tử vong trong những nhà hoạt động môi trường đang gia tăng trong 15 năm qua. Kể từ năm 2002, hơn 1.500 người, gồm: Nông dân, các nhân viên thuộc tổ chức phi Chính phủ (NGO), luật sư và nhà báo đã bị giết vì bảo vệ môi trường và đất đai của họ.
 
Khi những nguy hiểm hiện hữu, sẽ khó khăn trong việc đấu tranh và lên tiếng chống tham nhũng.
 
Những điều cần làm
 
Để hành động chống biến đổi khí hậu có hiệu quả, theo TI, chúng ta cần khẩn trương thay đổi quan điểm và tăng cường nỗ lực hướng tới sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và liêm chính. Chúng ta phải làm cho công tác quản lý tốt trở thành nền tảng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
 
Kết thúc những ảnh hưởng quá mức
 
Các thông tin về vận động hành lang và các chiến dịch tài chính phải được công khai. Chúng ta cần có khả năng theo dõi cách mà đồng tiền ảnh hưởng tới các chính sách về khí hậu, đặc biệt là tiền dành cho ngành nhiên liệu hình thành từ xác động vật bị phân hủy và các ngành công nghiệp lớn khác.
 
Các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cần phải bảo đảm các cơ hội bình đẳng để định hình chính sách khí hậu. Điều này có nghĩa là ngăn chặn xung đột lợi ích và bảo đảm sự tán thành từ tất cả các khu vực, cũng như những công dân bình thường có quyền tham gia vào quyết định của các nhà làm chính sách.
 
Bảo vệ công dân và những nhà hoạt động môi trường
 
Chúng ta phải bảo vệ những nhà hoạt động môi trường và chấm dứt sự miễn trừ đối với các tội ác chống lại họ. Các quy định pháp luật bảo vệ quyền con người phải được thực thi đúng. Sự đe dọa pháp lý và hình sự hóa các nhà hoạt động phải chấm dứt. Chúng ta cũng cần truy cập vào các nguồn thông tin đáng tin cậy, các kênh an toàn để báo cáo tham nhũng, và pháp luật bảo vệ người tố cáo.
 
Tiếng nói của những người bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cần phải được lắng nghe, các giai đoạn của các chu kỳ dự án khí hậu phải được công khai, minh bạch, từ hoạch định chính sách, đến thực hiện và đánh giá.
 
Chúng ta phải tạo ra và bảo vệ không gian cho sự tham gia của công dân, bởi vì sự tham gia của xã hội dân sự là chìa khóa để ra quyết định hiệu quả và hỗ trợ lâu dài cho đấu tranh vì khí hậu.
 
Cộng đồng thế giới đã chứng minh rằng, xã hội dân sự có thể hoạt động như một cơ quan giám sát hiệu quả, đòi hỏi trách nhiệm từ Chính phủ và doanh nghiệp trong các hành động chống lại biến đổi khí hậu.
 
TI nhấn mạnh lại, không quá muộn để giải quyết khủng hoảng về khí hậu. Nhưng điều đó chỉ có thể nếu chúng ta bảo vệ thành công các quỹ cho công tác khí hậu, tránh khỏi tham nhũng và bảo đảm các chính sách khí hậu được hoàn toàn thực hiện phục vụ lợi ích của tất cả mọi người và hành tinh, chứ không chỉ cho một vài bên liên quan mang lợi ích riêng tư.

Hoài Phương