KPK đưa ra lời cảnh báo về những rủi ro khi hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Trung Quốc, đồng thời tỏ ra lo ngại trước những nỗ lực Bắc Kinh đang thực hiện để gây ảnh hưởng kinh tế đối với quốc gia Đông Nam Á này.

“Chúng tôi đang khuyến cáo Chính phủ cần phải thận trọng hơn đối với những khoản đầu tư từ Trung Quốc”, ông Laode Muhammad Syarif, Phó Chủ tịch KPK cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Họ đang làm điều đó như một phần công việc kinh doanh, cố gắng mở rộng ảnh hưởng kinh tế. Đó là lý do mà tại sao chúng ta phải rất, rất thận trọng”.

Với mậu dịch hai chiều tăng 22% lên tới 72,3 tỷ USD vào năm 2018 so với một năm trước đó và các khoản đầu tư nước ngoài tăng, Trung Quốc giờ đây trở thành một đối tác kinh tế quan trọng của Indonesia.

Cùng lúc đó, những bình luận từ phía KPK chỉ ra những lo ngại tiềm ẩn ở Indonesia về tham vọng chính trị và kinh tế của Bắc Kinh.

Mặc dù những doanh nghiệp Trung Quốc là “những nhà đầu tư quan trọng”, người dân Indonesia vẫn nên “thận trọng hơn”.

Hành động cân bằng

Đối với Tổng thống Indonesia, Joko Widodo, người bắt đầu nhiệm kỳ năm năm lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng vào tháng 10 vừa qua, Trung Quốc đã đưa ra một hành động cân bằng đầy tính toán. Khi mà Chính phủ đang không ngừng vật lộn để kiếm doanh thu – tình thế còn tồi tệ hơn do suy thoái kinh tế toàn cầu – thì hàng tỷ đô la tài chính hấp dẫn từ Bắc Kinh thực sự khó mà cưỡng lại.

Trung Quốc đang hỗ trợ Indonesia xây dựng đường sắt cao tốc đầu tiên nối Jakarta và TP Bandung. Thế nhưng, dự án trị giá 6 tỷ USD này làm dấy lên những nghi vấn về tính minh bạch giữa những người thân cận với Jokowi.

Thêm nữa, dấu ấn kinh tế của Trung Quốc ngày càng tăng cũng gây ra những ấn tượng rằng Indonesia đang trở nên phụ thuộc và mắc nợ Bắc Kinh.

Tình trạng tham nhũng cố hữu

Tham nhũng là một vấn đề đặc hữu ở Indonesia suốt hàng thập kỷ. Ủy ban Chống tham nhũng, có thẩm quyền điều tra những quan chức cấp cao và các vụ việc liên quan đến các khoản thanh toán bất hợp pháp ít nhất là 1 tỷ rupiah (tương đương với 70.000 USD), trước giờ đã khiến cho nhiều thẩm phán, thành viên trong Quốc hội, quan chức địa phương và các Bộ trưởng Chính phủ phải từ chức.

Tình hình ngày càng tồi tệ hơn, ông Syarif cho biết, trích dẫn các Chỉ số Nhận thức Tham nhũng quốc tế gần đây nhất, trong đó, Indonesia chỉ đạt 38 trên 100 điểm vào năm 2012, cho thấy nhiệm kỳ đầu tiên của ông Jokowi đã có ít hành động cải thiện vấn đề. “Điều này có nghĩa chúng ta vẫn là một quốc gia tham nhũng”, Syarif nói.

Ông Syarif, người có nhiệm kỳ bốn năm làm Phó Chủ tịch kết thúc vào ngày 20/12 tới, cũng yêu cầu đề nghị ông Jokowi hủy bỏ sửa đổi đối với một đạo luật mà làm suy yếu quyền lực của cơ quan chống tham nhũng. Sửa đổi này, trước đó được Quốc hội thông qua vào tháng 9, đưa ra vào thời điểm bị các nhóm nhân quyền chỉ trích mạnh mẽ và thúc đẩy những cuộc biểu tình đẫm máu ở Thủ đô Jakarta.

“Nếu họ muốn thu hút đầu tư thì họ phải trao thêm sức mạnh cho cơ quan KPK”, ông cho biết. “Nhưng họ lại làm ngược lại”.

Thu Uyên (Theo Aljazeera)