Tham nhũng là không thể tránh khỏi?

TI-Indonesia nhận định, dù đã có rất nhiều bài báo tuyên truyền về các vụ tham nhũng với tần suất “mỗi ngày một tin tham nhũng”, nhưng đáng tiếc, nhiều người vẫn coi tham nhũng là "chuyện bình thường".

Và, mặc dù nhiều người dân Indonesia thường xuyên gặp phải tham nhũng, nhưng không phải lúc nào họ cũng dễ dàng hiểu được tham nhũng hoạt động như thế nào, tác động của tham nhũng đối với đời sống ra sao và cách để phòng, chống tham nhũng.

Đáng lo ngại hơn, trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày, tham nhũng được coi là gần như "không thể tránh khỏi". Và, người ta nghĩ rằng, đã không thể tránh khỏi thì tại sao phải cố gắng thay đổi nó?

Nhận thức tham nhũng

Chỉ số Nhận thức tham nhũng (CPI) mới nhất của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đo lường tham nhũng khu vực công ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cho thấy, Indonesia đạt 38 điểm (thang điểm 100), thấp hơn so với điểm số trung bình 44 của khu vực Châu Á Thái Bình Dương. So với các nước Đông Nam Á (ASEAN), Indonesia có điểm số thấp hơn nhiều so với Singapore (85 điểm), Brunei Darussalam (63 điểm) và Malaysia (47 điểm).

Mặt khác, theo phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu năm 2017, khảo sát gần 22.000 công dân của 16 quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, 60% công dân Indonesia tin rằng, mức độ tham nhũng trong nước đang trở nên tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát quốc gia đối với các chủ doanh nghiệp từ 12 thành phố của Indonesia, hầu hết những người được hỏi không cho rằng tham nhũng là một vấn đề quan trọng ở nước họ. Một kết quả khá mâu thuẫn với những phát hiện khác, nhưng lại không gây ngạc nhiên, khi mà trong môi trường kinh doanh tại Indonesia, tham nhũng đôi khi được coi như "cái giá" của việc làm kinh tế.

Năm 2017, TI-Indonesia, đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với hàng chục thành phố có mức đóng góp cao nhất vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia và kiểm tra mối liên hệ giữa cách mà các doanh nhân có được sự thuận lợi trong việc kinh doanh với tần suất các hành vi hối lộ.

Những bước tiến của Cơ quan Chống tham nhũng

Theo TI-Indonesia, tham nhũng vẫn đang thực sự là một thách thức ở Indonesia, mặc dù đã có những tiến bộ đáng ghi nhận gần đây của Ủy ban Bài trừ tham nhũng (KPK).

Đơn cử, tại Aceh (Indonesia), Thống đốc tỉnh này đã 3 lần bị bắt giữ vì các cáo buộc liên quan đến tham nhũng. KPK cũng đã vạch trần 41 thành viên của nghị viện khu vực có dính líu tham nhũng.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của KPK, tham nhũng vẫn tồn tại khắp các ngóc ngách của Indonesia. Do đó, các cơ quan chức năng chống tham nhũng của nước này cần phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và ngăn chặn tham nhũng ngay từ khi mới manh nha.

Hiện nay, KPK đang thực hiện một số chương trình phòng, chống tham nhũng, trong đó có Chương trình Giáo dục Mầm non (PAUD). Ngoài ra, một quy định mới của Tổng thống được đưa ra, theo đó, xây dựng một chiến lược quốc gia chống tham nhũng do một nhóm chuyên trách thực hiện. Nhóm này bao gồm: KPK, Văn phòng Điều hành của Tổng thống (KSP), Cơ quan Kế hoạch và Phát triển Quốc gia (Bappenas), Bộ Nội vụ và Bộ Cải cách Hành chính, Quan liêu (KemenPAN RB).

Sự tham gia của cộng đồng

Luật pháp, các chiến lược phòng ngừa là không đủ để bài trừ tham nhũng. Cuộc chiến này cần có sự tham gia tích cực của cả cộng đồng.

Kể từ năm 2011, TI-Indonesia đã làm việc với các nhóm cộng đồng để làm nổi bật việc chống tham nhũng thông qua nghệ thuật, phim ảnh, âm nhạc, sân khấu... Bằng cách này, TI-Indonesia đã phối hợp với các nghệ sỹ, qua đó truyền tải những thông điệp chống tham nhũng dưới hình thức đơn giản hơn, dễ dàng tiếp cận hơn.

Ví dụ như, TI-Indonesia đã hợp tác với các nhà làm phim chuyên nghiệp sản xuất ít nhất 7 bộ phim, bao gồm 4 phim tài liệu, được công chiếu ở nhiều địa điểm trên khắp Indonesia, như: trên tàu, máy bay, hay trên các kênh truyền hình địa phương và kênh quốc gia.

TI-Indonesia cũng đã hợp tác với ban nhạc Marjinal để làm nổi bật các vấn đề tham nhũng trong giới trẻ. Âm nhạc của Marjinal thường tập trung vào các vấn đề môi trường, nhân quyền và các vấn đề xã hội khác. Trong nhiều dịp, TI-Indonesia đã phối hợp rất thành công với Marjinal, như trong sự kiện Ngày Quốc tế chống tham nhũng (IACD) được tổ chức ngày 9/12/2018.

Với hơn 100 người tham dự, sự kiện tháng 12 năm ngoái với chủ đề “Đoàn kết chống tham nhũng" (United against Corruption) đã mang đến một buổi biểu diễn âm nhạc của Marjinal. Cùng với đó, sự kiện được tổ chức trong sự phối hợp với các nhóm xã hội dân sự khác nhằm kêu gọi hỗ trợ cho điều tra viên của KPK là Novel Baswedan - người đã bị tấn công bằng axit hồi tháng 4/2017 vì đã có nhiều hành động chống tham nhũng.

Đã hơn 600 ngày kể từ cuộc tấn công, nhưng vụ việc của Baswedan vẫn chưa được giải quyết. TI-Indonesia đang làm việc với các bên liên quan để bảo đảm vụ việc của điều tra viên dũng cảm này không bị rơi vào quên lãng và những kẻ có liên quan phải chịu trách nhiệm, bị trừng phạt thích đáng.

Sự kiện IACD 2018 cũng bao gồm hoạt động đọc thơ, thảo luận và nhiều buổi biểu diễn âm nhạc từ các ban nhạc nổi tiếng khác, bao gồm: My Stereo Ill, Crewsakan và Nara AKSI, qua đó giúp củng cố những thông điệp về tham nhũng.

Các bước tiếp theo

Theo TI-Indonesia, các chiến dịch mang tính sáng tạo là cách tuyệt vời để thu hút mọi người về những vấn đề chống tham nhũng. Qua đó, thông tin cho mọi người về các quyền của họ và thúc đẩy họ hành động.

Với những phản hồi tích cực từ cộng đồng về những bộ phim và các sự kiện của TI-Indonesia trong thời gian gần đây, dự kiến trong năm tới, TI-Indonesia có kế hoạch hoạt động nhiều hơn để liên kết văn hóa đại chúng Indonesia với cuộc chiến chống tham nhũng.

Theo TI-Indonesia, nếu có thể biến các nỗ lực chống tham nhũng thành một phần của cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể mang tới những thay đổi và khiến mọi người thoát ra khỏi sự thờ ơ của mình đối với tham nhũng.

Hoài Phương