Hơn thế nữa, tham nhũng còn ảnh hưởng đến phúc lợi của từng cá nhân, gia đình và cộng đồng.
 
Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu của TI là khảo sát duy nhất trên phạm vi toàn cầu về tham nhũng, dựa trên quan điểm và trải nghiệm của người dân. Khảo sát quan điểm của công chúng, phong vũ biểu cung cấp một chỉ số cho thấy tham nhũng được nhìn nhận ở cấp độ quốc gia như thế nào và những nỗ lực phòng, chống tham nhũng được đánh giá như thế nào trên thực tế ở phạm vi toàn cầu. Phong vũ biểu cũng đánh giá trải nghiệm tham nhũng của người dân trong năm trước đó.
 
Phong vũ biểu Tham nhũng Toàn cầu (GCB) - châu Phi lần thứ 10 tiết lộ, trong khi hầu hết người dân ở châu Phi cảm thấy tham nhũng gia tăng ở nước họ, thì đa số họ cũng thấy lạc quan rằng, họ - với tư cách là công dân - có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc chiến chống tham nhũng.
 
Nghiên cứu của TI cho thấy, hơn một nửa số công dân nghĩ rằng, tham nhũng đang trở nên tồi tệ hơn ở đất nước của họ và Chính phủ của họ đang làm việc thiếu hiệu quả trong giải quyết nạn tham nhũng.
 
Báo cáo cũng chỉ ra, 1/4 những người sử dụng các dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe, giáo dục... đã phải chi trả tiền hối lộ trong năm vừa qua.
 
Điều này tương đương với khoảng 130 triệu công dân ở 35 quốc gia được khảo sát.
 
Được phối hợp thực hiện với Afrobarometer and Omega Research, GCB là khảo sát lớn nhất, chi tiết nhất về quan điểm của người dân về tham nhũng và trải nghiệm trực tiếp của họ về hối lộ ở châu Phi. Cuộc khảo sát lần thứ 10 đã tổng kết quan điểm của hơn 47.000 công dân đến từ 35 quốc gia trên khắp châu Phi.
 
Thể chế và dịch vụ
 
Người dân cho rằng, cảnh sát là tổ chức tham nhũng nhất, với 47% người dân tin rằng, hầu hết hoặc tất cả cảnh sát đều tham nhũng. Những kết quả này phù hợp với các phát hiện từ báo cáo năm 2015.
 
Cảnh sát cũng là dịch vụ có tỷ lệ nhận hối lộ cao nhất trên khắp châu Phi. Các dịch vụ công khác như: Điện, nước, giấy tờ tùy thân (gồm giấy phép lái xe và hộ chiếu) cũng có tỷ lệ hối lộ cao.

Người dân châu Phi cho rằng, cảnh sát là tổ chức tham nhũng nhất.

 

Ai là người đưa hối lộ?
 
Hối lộ không ảnh hưởng đến mọi người như nhau, mà đánh vào những người nghèo khó nhất hơn là những người giàu nhất. Hậu quả là rất nghiêm trọng, khi mà những người nghèo bị từ chối tiếp cận với các biện pháp chăm sóc y tế, giáo dục và pháp lý quan trọng.
 
Nghiên cứu cũng chỉ ra, những người trẻ ở độ tuổi 18 - 34, có nhiều khả năng đưa hối lộ hơn những người già trên 55 tuổi.
 
Đưa hối lộ cho các dịch vụ công thiết yếu còn có nghĩa, các gia đình nghèo có ít tiền hơn để dành cho các nhu yếu phẩm khác như thực phẩm, nước và thuốc.
 
Hành động
 
Các chính phủ xác định cần một chặng đường rất dài để lấy lại niềm tin của công dân.
 
Tuy nhiên, bất chấp điều này, người dân châu Phi lạc quan cho rằng, thay đổi là có thể. Họ tin rằng, bản thân họ có thể tạo ra sự khác biệt. Chính phủ phải cho phép họ có không gian để thực hiện điều này.
 
Yếu tố nước ngoài
              
Những cá nhân không phải người châu Phi cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tham nhũng ở châu lục này thông qua hối lộ và rửa tiền ở nước ngoài.
 
Khi ngân sách lẽ ra để hỗ trợ các dịch vụ quan trọng như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bị thất thoát ra khỏi các quốc gia do tham nhũng, người dân bình thường là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.
 
Trong khi, các quốc gia xuất khẩu khối lượng lớn hàng hóa và dịch vụ trên toàn thế giới thất bại trong việc điều tra và trừng phạt các công ty chi trả hối lộ.
 
Đổi lại, các nhà lãnh đạo chính trị lại tiến hành thực hiện các thỏa thuận, hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài để thúc đẩy lợi ích cá nhân của họ với các khoản chi phí do người dân đóng góp.

Người nghèo bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi vấn nạn hối lộ

 

Khuyến nghị
 
Giải quyết tham nhũng ở châu Phi đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, có hệ thống. Một số khuyến nghị hàng đầu của TI đối với các chính phủ châu Phi bao gồm:
 
- Phê chuẩn, thực hiện và báo cáo về Công ước Liên minh châu Phi về Phòng, chống tham nhũng (AUCPCC).

- Điều tra, truy tố và xử phạt tất cả trường hợp tham nhũng được báo cáo, không có ngoại lệ.

- Xây dựng các tiêu chuẩn và hướng dẫn thi hành về mua sắm công.

- Áp dụng các thực tiễn hợp đồng mở, nơi các thông tin, dữ liệu rõ ràng và dễ phân tích hơn.

- Thu thập các khiếu nại, tố cáo của công dân và tăng cường bảo vệ người tố giác.

- Cho phép truyền thông và xã hội dân sự có trách nhiệm với chính phủ

Bên cạnh đó, theo TI, chính phủ của các nền kinh tế lớn, bao gồm các nước G20 và OECD, các trung tâm tài chính nước ngoài nên:

- Thiết lập sổ đăng ký công khai với thông tin về chủ sở hữu thực tế của các công ty tư nhân và các quỹ quản thác.

- Thực thi Luật chống hối lộ quốc tế.

- Thực hiện các tiêu chuẩn chống rửa tiền.

Cũng theo TI, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn thế giới nên thực hiện các tiêu chuẩn chống tham nhũng và chống rửa tiền quốc tế.

Hoài Phương