Vào hôm thứ Ba, ngày 8/1, Thủ tướng Anh Theresa May đã thất bại tại Hạ viện khi mà những thành viên trong Đảng Bảo thủ của bà và các Nghị sĩ của Công đảng đối lập cùng ủng hộ một cuộc bỏ phiếu nhằm hạn chế những quyền chi tiêu của Chính phủ nếu Anh không thể đảm bảo những thỏa thuận nhất định về việc rời khỏi Liên minh châu Âu.

Với 303 phiếu thuận và 296 phiếu chống, các Nghị sĩ đã thông qua điều khoản sửa đổi bổ sung Dự thảo Luật Tài chính. Theo đó sẽ hạn chế Thủ tướng Theresa May điều chỉnh mức thuế nếu việc Brexit không thỏa thuận xảy ra.

Biện pháp này được dự kiến là không có ảnh hưởng đáng kể tới sự kiện Brexit không thỏa thuận. Robert Jenrick, một Nghị sĩ của Đảng Bảo thủ và Thư ký Ngoại giao của Bộ Tài chính cho biết việc sửa đổi bổ sung Dự luật Tài chính sẽ chỉ cho phép các Nghị sĩ có thêm quyền lực để tạo ra “những thay đổi nhỏ”.

Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu lại mang một tác động tượng trưng quan trọng, đó là các Nghị sĩ đang cùng nỗ lực để đẩy lùi kịch bản “Brexit không thỏa thuận” có thể diễn ra.

Trong một tuyên bố, thủ lĩnh Công đảng đối lập, Jeremy Corbyn, nhấn mạnh việc các nghị sỹ thông qua điều khoản trên là “bước đi quan trọng” nhằm ngăn tương lai Brexit không thỏa thuận. Ông cũng cho biết thêm, điều này chứng tỏ rằng chuyện Anh rời EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào sẽ không bao giờ nhận được sự ủng hộ từ phía Nghị viện.

Ian Murray, một Nghị sĩ Công đảng ủng hộ People’s Vote (chiến dịch của Anh kêu gọi bỏ phiếu công khai về thỏa thuận Brexit cuối cùng giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu), cho rằng Nghị viện đã “khẳng định uy quyền và chủ quyền của mình, đồng thời thể hiện lối thoát không thỏa thuận là một mối đe dọa trống rỗng”.

“Việc đe dọa một Brexit không thỏa thuận đã bị Chính phủ lạm dụng cực đoan trong nhiều tháng qua như một phần chiến dịch của họ để gây sức ép và chế nhạo Nghị viện đang bỏ phiếu cho các thỏa thuận xấu. Chính phủ còn nói rằng việc này sẽ chỉ khiến chúng ta lao xuống vực và mất kiểm soát”. Ông Murray nói trong một tuyên bố trên trang web của People’s Vote, cho biết thêm các sự kiện diễn ra vào hôm thứ Ba đã chứng minh rằng Nghị viện vẫn “đang hành động rất quyết đoán”.

“Những gì cần làm bây giờ là trao lại quyết định cho người dân”, ông Murray phát biểu.

Nghị viện sẽ bỏ phiếu cho những thỏa thuận Brexit vào tuần sau. Nếu bà May vẫn không thể khiến các thỏa thuận được thông qua thì khả năng cao là Anh sẽ rút khỏi EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào.

Anh dự kiến sẽ rời Liên minh Châu Âu trong 80 ngày nữa.

Riêng hôm thứ Ba, Chính phủ Hà Lan cho biết các công dân Anh hiện đang sinh sống tại Hà Lan sẽ không phải rời đi vì sự kiện “Brexit không thỏa thuận”

“Trong trường hợp không đạt được các thỏa thuận, thời kỳ chuyển tiếp quốc gia sẽ được áp dụng từ ngày 29 tháng 03 năm 2019 đến ngày 01 tháng 07 năm 2020. Trong giai đoạn đó, mọi người được giữ quyền lưu trú, làm việc và học tập tại Hà Lan”, Bộ Tư pháp Hà Lan tuyên bố.

Hiện có hơn 45.000 người Anh ở Hà Lan và theo một cuộc khảo sát gần đây thực hiện bởi Chính phủ Hà Lan thì 89% số đó đang rất lo lắng về những ảnh hưởng của Brexit tới cuộc sống của họ.

“Có thể hiểu rằng Brexit đang tạo ra cảm giác bấp bênh cho những người này”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Stef Blok trả lời. “Vì vậy, tối tiếp tục nhấn mạnh rằng những dự thảo thỏa thuận nếu thực hiện được thì sẽ mang lại giải pháp tốt nhất cho người dân”.

Thu Uyên (CNN News)