Trong một video kéo dài 1 tiếng, được phát hành ngày 1/12, Nhóm điều tra của Hãng Truyền thông Al Jazeera đã công bố nhiều chi tiết về tham nhũng liên quan đến các nhân vật thân cận với Tổng thống Nambia.

Cuộc điều tra bí mật được Al Jazeera tiến hành trong 3 tháng, có tên “Mổ xẻ chuyện hối lộ” (Anatomy of a Bribe), có đụng chạm tới cựu Bộ trưởng Bộ Nghề cá và Nguồn lợi thuỷ sản Nambia Bernhard Esau, cũng như luật sư riêng của Tổng thống Hage Geingob - ông Sisa Namandje.

Trong vai các nhà đầu tư Trung Quốc, các phóng viên của Al Jazeera đã thâm nhập vào ngành công nghiệp thủy sản của Namibia, để có được hạn ngạch đánh bắt sinh lợi cao cho liên doanh được đề xuất với Công ty đánh bắt thủy sản Omualu.

Video quay được cảnh Bernhard Esau nhận một chiếc điện thoại iPhone từ các phóng viên bí mật. Ngoài ra, Bộ trưởng này cũng đưa ra yêu cầu về một khoản đóng góp 200.000 USD từ “các nhà đầu tư Trung Quốc” cho Đảng cầm quyền Tổ chức Nhân dân Tây Nam Phi (Swapo), trước thềm cuộc Tổng tuyển cử của đất nước diễn ra vào ngày 27/11.

Theo hướng dẫn của Sacky Kadhila-Amoomo, Giám đốc điều hành Công ty Omualu, khoản đóng góp được “rửa” dưới vỏ bọc là khoản đầu tư nước ngoài vào bất động sản, được chuyển qua tài khoản ủy thác của Namandje, luật sư riêng của các Tổng thống Namibia kể từ khi nước này giành độc lập.

Khi được yêu cầu xác nhận Namandje có hài lòng với việc tài khoản ủy thác của mình được sử dụng để rửa tiền cho chiến dịch bầu cử của Đảng Swapo, ông này nói với các phóng viên bí mật rằng: “Các bạn phải cẩn thận trong việc nói chuyện với mọi người về việc đưa tiền cho Bộ trưởng. Nếu bạn nói chuyện với ai khác về điều này, bạn sẽ lãnh hậu quả…” (làm cử chỉ còng tay).

Luật sư Namandje từ chối bàn về nguồn gốc cũng như đích đến của khoản tiền đi qua tài khoản ủy thác của mình.

Khi các phóng viên bí mật của Al Jazeera tiến hành đàm phán hợp tác với Công ty Omualu, họ đã được yêu cầu thanh toán 500.000 USD và trao 20% cổ phần cho liên doanh thông qua Mike Nghipunya, Giám đốc Điều hành của Công ty nghề cá nhà nước Fishcor, để đổi lấy việc Fishcor trao cho ưu tiên có được hạn ngạch khai thác thủy sản, vốn được phân bổ bởi Bộ trưởng Bộ Nghề cá và Nguồn lợi thuỷ sản Nambia.

Cuộc điều tra của Al Jazeera dựa trên cơ sở các tài liệu bị rò rỉ bởi Johannes Stefansson, một cựu nhân viên của Tập đoàn nghề cá Iceland Samherji, cho nhóm tố cáo WikiLeaks. Al Jazeera đã tiến hành điều tra chung với Đài truyền hình Nhà nước RÚV và Tạp chí Stundin của Iceland.

Cái gọi là “hồ sơ thông tin nghề cá” được WikiLeaks xuất bản 2 tuần trước, bao gồm các email, bản ghi nhớ, thuyết trình PowerPoint, hồ sơ tài chính công ty, hình ảnh, video, cho thấy cách mà Công ty Samherji - một trong những doanh nghiệp nghề cá lớn nhất Iceland, đã thông đồng với các nhân vật chính trị và kinh doanh cấp cao trong Chính phủ Namibia, trong đó có Bộ trưởng Bernhard Esau và Bộ trưởng Tư pháp Sacky Shanghala, để giành được ưu đãi trong ngư trường sinh lợi ở Nambia.

Tài liệu mà Al Jazeera thu thập được chỉ ra, từ năm 2012 tới nay, Công ty Samherji đã thanh toán hơn 10 triệu USD cho Bộ trưởng Esau, các công ty thuộc sở hữu của Bộ trưởng Shanghala và James Hatuikulipi (Chủ tịch của Fishcor).

Cũng theo tài liệu rò rỉ, phần lớn các khoản thanh toán nêu trên được lập hóa đơn cho Công ty Samherji dưới dạng “phí tư vấn”...

Ngay sau khi Al Jazeera liên hệ với Chính phủ Namibia về vụ việc mà các nhà báo đã tiến hành điều tra, cả Bộ trưởng Tư pháp Sacky Shanghala và Bộ trưởng Thủy sản Bernhard Esau đã từ chức. James Hatuikulipi cũng từ chức Chủ tịch Fishcor…

Trong ngày Tổng tuyển cử của Namibia (27/11), Esau, Shanghala, cũng như James Hatuikulipi và anh họ Tamson Hatuikulipi đã bị bắt giữ.

Vụ bê bối đã gây ra sự phẫn nộ ở cả Namibia và Iceland, nơi các cử tri đang dành sự quan tâm đặc biệt tới tình trạng tham nhũng trong giới kinh doanh và giới tinh hoa chính trị của đất nước.

Tuần trước, hàng trăm người biểu tình đã tuần hành tới Ủy ban Chống tham nhũng Namibia yêu cầu ông Paulus Noa - Giám đốc Ủy ban - từ chức, sau khi ông bị cáo buộc không có hành động kịp thời và đầy đủ để chống lại các vụ tham nhũng ở nước này. Đáp lại yêu cầu của người biểu tình, Ủy ban đã ban hành các lệnh bắt giữ đối với các đối tượng bị cáo buộc tham nhũng.

Khi những thước phim bí mật của các nhà báo được công bố, tất cả người bị tình nghi đều chối bỏ những hành vi sai trái.

Hoài Phương