Trong vòng một tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu từ 23-26/5 tới, các nhóm chính trị trong Nghị viện và các đảng phái châu Âu có thể khởi động các chiến dịch vận động công khai trên toàn Liên minh.

Mạng xã hội Facebook vừa đồng ý đưa ra một ngoại lệ đối với quy tắc mới của mình liên quan đến chiến thuật tiếp thị chính trị.

Trong một lá thư ngày 18/4 vừa qua gửi đến Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani, ông Nick Clegg, Phó chủ tịch phụ trách truyền thông của Facebool, đã đề xuất, các nhóm chính trị trong Nghị viện, các đảng phái chính trị châu Âu đã đăng ký tại Brussels có thể khởi động trên nền tảng mạng xã hội các chiến dịch vận động công khai trên toàn EU, ngay cả khi họ không thực sự có mặt tại ở một trong số 28 quốc gia thành viên.

Tổng cộng có 19 hồ sơ Facebook có thể tự do vận động, kêu gọi sự ủng hộ của các cử tri trên toàn EU trong khoảng thời gian giới hạn từ 25/4-26/5 tới.

Trước đó, dưới sức ép của các nhà lãnh đạo châu Âu trong cố gắng ngăn chặn sự can thiệp của bên ngoài vào cuộc bầu cử, Facebook đã cam kết chỉ cho phép vận động tiếp thị chính trị tại một quốc gia thuộc EU với điều kiện chủ thể đã đăng ký tại quốc gia đó, nghĩa là có địa chỉ thực tế hoặc tư cách pháp nhân.

Theo giải thích của Facebook, cho phép triển khai từ một quốc gia các chiến dịch tiếp thị chính trị trên khắp 28 quốc gia thành viên EU có thể gây rủi ro vật chất lớn cho tính toàn vẹn của cuộc bầu cử Nghị viện.

Tuy nhiên, quy tắc mới của Facebook đã gây ra sự bất bình trong Nghị viện châu Âu, bao gồm các nhóm chính trị luôn chỉ trích sự quản lý lỏng lẻo của mạng xã hội hàng đầu thế giới này.

Nghị sỹ Reinhard Bütikofer thuộc đảng Xanh của Đức cho rằng không bình thường khi một công ty tư nhân áp đặt các quy tắc đối với các cơ chế và tổ chức dân chủ như Nghị viện và các đảng phái chính trị, những người có quyền vận động hợp pháp trên phạm vi toàn Liên minh.

Nghị sỹ Guy Verhofstadt, lãnh đạo phe tự do tại Nghị viện châu Âu, còn nhấn mạnh rằng hạn chế các chiến dịch vận động trực tuyến chỉ trong biên giới một quốc gia hoàn toàn đi ngược với ý tưởng một châu Âu dân chủ, thậm chí còn triệt tiêu nó.

Cho đến giữa tháng Tư này, Facebook vẫn từ chối đưa ra một ngoại lệ đối với các nghị sỹ châu Âu. "Chúng tôi có nguyên tắc đối xử bình đẳng với các ứng cử viên, cả vì lý do pháp lý và đạo đức," Phó chủ tịch Nick Clegg của Facebook giải thích.

Sự căng thẳng giữa mạng xã hội hàng đầu thế giới và Nghị viện châu Âu đã chỉ ra một vấn đề tồn tại lâu dài ở Brussels và Strasbourg. Đó là sự khó khăn trong việc đưa ra các cuộc tranh luận thực sự ở châu Âu.

Các chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử châu Âu chủ yếu vẫn nằm trong phạm vi quốc gia và được thúc đẩy bởi các vấn đề quốc gia. Chính vì vậy, nguyên tắc "Spitzenkandidat" do Nghị viện châu Âu áp dụng từ năm 2014 cho phép lãnh đạo đảng đứng đầu trong cuộc bầu cử Nghị viện sẽ tiếp quản vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhận thức chính trị xuyên quốc gia.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cam kết đấu tranh chống mọi “tin giả” trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng tới.

Chủ tịch EC nhấn mạnh: “Nếu các chính phủ đưa ra những tuyên bố sai sự thật về EU hoặc EC, chúng tôi sẽ phản hồi.”

Ông Juncker cam kết sẽ tự mình thực hiện động thái này trong những tuần tới trước thềm cuộc bầu cử quan trọng.

Bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ diễn ra từ ngày 23-26/5 tới và là kỳ bầu cử quan trọng nhất của EU.

Các cử tri sẽ tham gia bầu 751 đại biểu của Nghị viện châu Âu, cơ quan lập pháp của châu Âu thực hiện 3 quyền cơ bản là lập pháp, quyết định về ngân sách và giám sát các hoạt động của EU, đặc biệt là của EC.

Sau bầu cử, Nghị viện châu Âu mới sẽ bầu ra Chủ tịch EC và bỏ phiếu về vấn đề ngân sách cho hoạt động của EU trong 5 năm tới.

Tỷ lệ cử tri tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đã giảm dần trong những năm qua và rớt xuống 43%, mức thấp nhất từ trước đến nay, trong cuộc bầu cử mới đây năm 2014 trong bối cảnh các đảng có thành kiến với châu Âu giành thế đa số./.

Linh Hương (TTXVN/Vietnam+)