Rút bớt cam kết hạt nhân, Iran đổ thêm dầu vào lửa?

Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 8/5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng, Iran sẽ giảm bớt các cam kết đối với thỏa thuận này, nhưng sẽ không rút hoàn toàn khỏi thỏa thuận.

Tổng thống Rohani cũng cáo buộc “những quan điểm cứng rắn” ở Mỹ đang cố phá hoại thỏa thuận hạt nhân từ năm 2015 tới nay. Các bên còn lại của thỏa thuận hạt nhân là Pháp, Anh, Đức, Nga và Trung Quốc đã được thông báo trước về động thái của Iran.

Hãng thông tấn bán chính thức Fars dẫn tuyên bố của Hội đồng an ninh quốc gia tối cao Iran (SNSC) nói rằng, ở giai đoạn này, Iran sẽ không tiếp tục chấp hành các giới hạn mà họ đã cam kết trong việc làm giàu uranium và nước nặng theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Quyết định này là cần thiết nhằm “đảm bảo quyền lợi và lấy lại cân bằng” sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận cách đây tròn một năm.

Quyết định rút bớt các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân là “đòn” đánh thẳng vào chiến lược sức ép tối đa mà chính quyền Tổng thống Trump đã áp dụng với Iran lâu nay.

Động thái mới của Iran được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln cùng máy bay ném bom chiến lược B-52 đến Trung Đông nhằm cảnh cáo một cuộc tấn công tiềm tàng nhằm vào lợi ích của Mỹ và các đồng minh trong khu vực.

Các quan chức Mỹ ngày 7/5 tiết lộ rằng, tình báo quân đội nước này phát hiện dấu hiệu cho thấy Iran đã đưa tên lửa đạn đạo tầm ngắn lên các tàu chiến neo đậu ở Vịnh Ba Tư (Persian). Lầu Năm Góc nhận định động thái của Iran có thể khiến Mỹ và lực lượng đồng minh ở Arab Saudi, Bahrain và Qatar gặp nguy hiểm, đồng thời cũng không loại trừ khả năng tên lửa Iran sẽ nhằm vào các mục tiêu Mỹ ở Iraq và Syria.

Nguy cơ leo thang xung đột quân sự?

Một số chuyên gia lo ngại tình hình phức tạp và nguy hiểm hiện nay có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát nếu cả Mỹ và Iran không xử lý một cách thận trọng.

“Những biễn biến như thế này cần sự cân nhắc thận trọng ở nhiều cấp độ: một quá trình hoạch định chính sách nghiêm túc, các tiêu chuẩn tình báo, các nguyên tắc hành xử chuyên nghiệp. Tất cả những yếu tố này đều bị chính quyền Trump bỏ qua”, Suzanne Maloney, một chuyên gia về Iran tại Viện Brooking ở Washington cho biết.

Trong một tuyên bố hôm 5/5, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John  Bolton nói rằng, động thái quân sự của Mỹ là nhằm đáp trả mối đe dọa từ Iran. Ông nhấn mạnh: “Mỹ không tìm kiếm một cuộc chiến với Iran, nhưng chúng tôi đã được chuẩn bị đầy đủ để đáp trả bất cứ cuộc tấn công nào, dù là do bên ủy nhiệm, Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) hay các lực lượng thông thường của Iran tiến hành”.

Theo đánh giá của giới quan sát, nhưng những diễn biến leo thang như thế này là điều hoàn toàn dễ hiểu. Bởi quan hệ Mỹ-Iran, lâu nay vốn không mấy tốt đẹp, đã trở nên tệ hơn khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân cách đây một năm đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt chặt chẽ với quốc gia Hồi giáo này.

Tháng trước, Chính quyền Tổng thống Trump thậm chí còn tuyên bố liệt IRGC vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài. Đây là lần đầu tiên Mỹ liệt một cơ quan của chính phủ nước ngoài vào danh sách khủng bố.

Đối với một số nhà phân tích, sẽ không có gì phải ngạc nhiên khi Iran đáp trả theo một cách gay gắt.

Phillip Smyth, một chuyên gia về Iran tại Viện chính sách Cận Đông có trụ sở tại Washington nói rằng, các mối đe dọa từ “các bên ủy nhiệm” của Iran đã dấy lên từ năm 2018 (thời điểm Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân) và đây là một cách nhằm phát tín hiệu tới Mỹ về tình hình khu vực đang ngày càng xấu đi”.

Tuy nhiên, theo ông Smyth, cho dù giới tình báo Mỹ phát hiện dấu hiệu về một cuộc tấn công có thể sắp xảy ra, điều đó không có nghĩa là Iran hay một “bên ủy nhiệm” nào đó sẽ sớm thực hiện nó.

Kiểu “ngoại giao pháo hạm” hiện nay giữa Mỹ và Iran chắc chắn sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Ngược lại, nó sẽ khiên tình hình ngày càng trở nên tệ hơn. Tuy nhiên, giới quan sát hy vọng đó sẽ không phải là sự khai mào cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn giữa Mỹ và Iran./.

Theo Thùy Linh/VOV.VN