ICIJ cũng chỉ ra sự cần thiết phải minh bạch và trách nhiệm giải trình từ các cơ quan, tổ chức nêu trên để công chúng có thể đánh giá hiệu suất công việc của họ, kiểm tra xem họ có tuân thủ theo các vai trò, chức năng được phân công hay không.

Thông báo mới của ICIJ được nghiên cứu, trình bày dựa trên những thông tin rò rỉ từ Drousys - hệ thống thông tin liên lạc bí mật của Odebrecht, và thu được bởi hãng Thông tấn Mil Hojas (Ecuador).

ICIJ là mạng lưới quốc tế gồm 249 nhà báo điều tra của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 1997, nhà báo Mỹ Chuck Lewis thành lập ICIJ như một dự án của Trung tâm Liêm chính công nhằm tập trung điều tra 3 vấn đề chính gồm tội phạm xuyên biên giới, tham nhũng và trách nhiệm của nhà cầm quyền.

Hiện nay, ICIJ cũng hợp tác với hơn 100 tổ chức truyền thông, từ các hãng tin nổi tiếng nhất thế giới, bao gồm BBC, New York Times, Guardian và Asahi Shimbun, đến các cơ quan điều tra phi lợi nhuận nhỏ trong khu vực.

Hoạt động tham nhũng của Odebrecht

Odebrecht có thể đã không khai báo đầy đủ các hoạt động tham nhũng của mình theo yêu cầu của một thỏa thuận mang tính lịch sử được đưa ra vào tháng 12/2016. Theo thỏa thuận này, Công ty Xây dựng của Brazil thừa nhận đã chi trả 788 triệu USD hối lộ trong suốt thời gian 15 năm (từ 2001 - 2016) cho chính quyền và các đảng phái chính trị ở Brazil và 11 quốc gia khác, trong đó bao gồm 9 nước Mỹ Latin (Argentina, Colombia, Ecuador, Peru, Venezuela, Guatemala, Mexico, Panama và Cộng hòa Dominica) và 1 nước châu Phi (Angola và Mozambique).

Tuy nhiên, có rất ít thông tin chi tiết công khai về các khoản thanh toán này. Thế nên, không thể biết cụ thể những công trình nào mà Odebrecht có được thông qua “động tác” hối lộ, cũng như không biết cụ thể nhà chức trách nào từ rất nhiều quốc gia khác nhau nêu trên đã nhận được các khoản thanh toán bất hợp pháp?!

Cho tới nay, phía Odebrecht cũng không khai báo thông tin cụ thể về việc hẹn gặp ra sao, đưa hối lộ như thế nào tại một số dự án được thấy rõ ràng đã bị tham nhũng thao túng.

Sự phức tạp trong việc xác định những người phải chịu trách nhiệm, cùng với sự không đầy đủ về chi tiết các sai phạm đã mang đến những thách thức to lớn đối với các quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi vòng xoáy của bê bối Odebrecht.

Điều này đòi hỏi một sự đầu tư đáng kể về đào tạo về kỹ thuật, công nghệ và quan trọng hơn là cần sự độc lập, để từ đó toàn bộ mạng lưới tham nhũng bị phá hủy và những người chịu trách nhiệm ở các quốc gia này phải được xác định, đứng ra chịu trách nhiệm về các hành vi sai phạm của mình.

Cần công khai hơn

Có rất ít thông tin công khai để đánh giá năng lực, quyền tự chủ và sự tuân thủ của các cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp của các quốc gia có trách nhiệm đưa tham nhũng ra trước pháp luật.

Tháng 5 vừa qua, Báo JOTA của Brazil và Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã thu thập được các dữ liệu, qua đó tiết lộ, số lượng yêu cầu cung cấp thông tin của các quốc gia bị ảnh hưởng trong vụ bê bối Odebrecht gửi đến Brazil có sự khác biệt đáng kể từ quốc gia này sang quốc gia khác. Cụ thể, Peru đã yêu cầu thông tin nhiều nhất để hỗ trợ điều tra của mình, gồm 68 yêu cầu hợp tác trong 2 năm 2017, 2018. Trong khi, Guatemala và Venezuela chỉ có 2 yêu cầu cho mỗi quốc gia gửi tới chính quyền Brazil; còn Mexico và Cộng hòa Dominica, mỗi nước gửi 3 yêu cầu cung cấp thông tin.

Trước những thách thức và phức tạp nêu trên, các cơ quan, tổ chức của các quốc gia khác nhau phải cung cấp công khai những thông tin mang tính toàn diện và tăng mức độ minh bạch, trách nhiệm giải trình. Trong đó, bước đầu tiên là công khai các số liệu thống kê về các yêu cầu hợp tác quốc tế. Điều này sẽ cung cấp một cái nhìn sâu sắc về đầy đủ các hoạt động của hệ thống tư pháp trong những vụ tham nhũng xuyên quốc gia.

Đồng thuận chống tham nhũng

Cần sự đồng thuận rộng rãi trong cộng đồng chống tham nhũng quốc tế. Tháng 6/2019, một nhóm gồm 140 chuyên gia bao gồm đại diện các chính phủ, điều tra viên và lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự ở hơn 50 quốc gia đã gặp nhau tại Thủ đô Oslo của Na Uy để thảo luận về các vụ tham nhũng lớn và đưa ra những khuyến nghị.

Trong đó, Khuyến nghị số 44, về hỗ trợ pháp lý lẫn nhau, đề xuất như sau: “Các cơ quan trung ương hỗ trợ pháp lý lẫn nhau (MLA) hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác nên chủ động và kịp thời hỗ trợ các quốc gia trong những vụ tham nhũng liên quan đến số lượng lớn tài sản đáp ứng các yêu cầu quốc gia về MLA, bao gồm những nơi mang tính khả thi, cung cấp đầy đủ thông tin người liên hệ. Thống kê về các yêu cầu MLA được thực hiện, nhận về và trả lời thành công, nên được thu thập và công bố”.

Các quốc gia phải khẩn trương cung cấp trách nhiệm giải trình về hiệu suất của họ trong việc điều tra và xử phạt tội tham nhũng lớn. Công khai số liệu thống kê về các yêu cầu hợp tác quốc tế cho các vụ tham nhũng lớn là rất quan trọng. 

Liên quan bê bối Odebrecht, Brazil đã công bố số liệu thống kê tổng hợp về các trường hợp hợp tác quốc tế, nhưng cần công bố chi tiết và cụ thể hơn để xác định chính xác cách thức hợp tác quốc tế đang hoạt động. Trong khi đó, các quốc gia khác thậm chí đã không tiết lộ dữ liệu tổng hợp.

Hoài Phương