Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), bất kể Yorgen Fenech đã khai báo điều gì với cảnh sát Malta, cần phải tiếp tục thực hiện một cuộc điều tra độc lập, công tâm về vụ giết người bi thảm này, để đưa những kẻ đứng đằng sau ra trước công lý.

Trước khi bị mưu sát, bà Daphne Caruana Galizia đã cáo buộc Công ty 17 Black có quan hệ với Chính phủ Malta. Cuộc điều tra của cảnh sát Malta sau đó đã không chỉ làm rõ việc công ty này thuộc sở hữu của Fenech, mà còn cho thấy, đây là công ty có thể đã được sử dụng để chi trả hàng triệu USD cho các công ty bí mật của Panama. Và, chúng được kết nối với các quan chức cấp cao trong Chính phủ Malta.

Các công ty “bí ẩn” đều có cấu trúc thiếu rõ ràng, được tổ chức nhằm tạo sự nhầm lẫn. Mặc dù không phải lúc nào chúng cũng được tạo ra với mục đích phạm tội, nhưng chúng thường được sử dụng để che giấu tội phạm và rửa tài sản.

Để ngăn chặn điều này, theo TI, các ngân hàng phải thực thi nghiêm các quy tắc chống rửa tiền. Nhưng, thực tế cho thấy họ thường thất bại. Một báo cáo bị rò rỉ từ Ngân hàng Trung ương châu Âu cho thấy, ngân hàng lớn nhất của Malta có khả năng đã “nhắm mắt làm ngơ” trước những rủi ro rửa tiền. Đáng nói tới trong đó là chương trình “visa vàng” của Malta. Đây cũng là một trong các vấn đề mà cố nhà báo Daphne đã cảnh báo qua các bài viết của mình.

Tác động mang tính tàn phá của những biện pháp chống tham nhũng hời hợt, yếu kém không chỉ giới hạn ở một số khu vực pháp lý nhất định - TI khẳng định và dẫn chứng, tuần qua, các ngân hàng ở Australia, Thụy Điển, Anh đều bị cuốn vào các vụ rửa tiền toàn cầu. Qua đó cho thấy lý do tại sao các quốc gia không nên phó mặc nhiệm vụ chống tham nhũng cho các ngân hàng.

Các nhà chức trách cần vào cuộc để xác định danh tính của chủ sở hữu thực sự của các công ty. Chỉ có thể bằng cách chấm dứt những “bí mật”, những người phải chịu trách nhiệm về tham nhũng, giết người mới có thể cúi đầu chịu sự xét xử của công lý.

Nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia đã bị sát hại vào khoảng 15 giờ ngày 16/10/2017, sau khi chiếc Peugeot 108 của bà bị một quả bom cực mạnh cài trong xe phát nổ. Vụ đánh bom xe diễn ra chưa đầy 1 tiếng sau bài viết của bà Daphne Caruana Galizia đăng trên trang web Running Commentary.

15 ngày trước khi bị mưu sát, bà Daphne Caruana Galizia đã báo với cảnh sát về việc nhận những lời đe dọa sát hại.

Bà Daphne Caruana Galizia bắt đầu sự nghiệp báo chí từ những năm 1980 với vai trò nhà phê bình cho tờ Sunday Times of Malta. Sau đó, bà làm biên tập viên cho tờ Malta Independent. Không theo đảng phái chính trị nào, nhưng nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia vẫn nhận được sự ủng hộ của nhiều giới, bất chấp việc bà điều tra các ngân hàng tạo điều kiện dễ dàng cho những vụ rửa tiền, hay mối liên quan giữa mafia với kỹ nghệ cờ bạc ở Malta.

Những bài viết của bà Daphne Caruana Galizia được coi là "cái gai" nhắm vào chính phủ và những nhân vật quyền lực ngầm ở Malta.

Theo tờ The Guardian, nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia, 53 tuổi, là người từng dẫn đầu cuộc điều tra về nạn tham nhũng tại Cộng hòa Malta (quốc gia nhỏ nhất châu Âu), sau khi bà cùng nhiều phóng viên khác tiết lộ "Hồ sơ Panama".


Hoài Phương