Thủ tướng Malta tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 1, người dân tiếp tục biểu tình

Thủ tướng Malta Joseph Muscat, người đang chìm đắm trong cuộc khủng hoảng của cuộc điều tra cái chết của nhà báo chống tham nhũng, hôm 1/12 đã ra tuyên bố về kế hoạch từ chức.

Ông Joseph Muscat cho biết, sẽ yêu cầu Đảng Lao động cầm quyền bắt đầu chọn một nhà lãnh đạo mới cho đất nước vào tháng 1 tới.


Trong 2 tuần qua, rất nhiều người dân đã tập trung biểu tình, yêu cầu ông Muscat phải từ chức do những cáo buộc có liên quan đến tiến trình điều tra vụ nhà báo điều tra chống tham nhũng Daphne Caruana Galizia bị sát hại hồi năm 2017.

Áp lực càng tăng cao khi doanh nhân Yorgen Fenech - người có nhiều quan hệ với các quan chức trong Chính phủ, bị buộc tội âm mưu giết người.

Trong thông báo trên sóng truyền hình vào hôm 1/12, ông Muscat cho biết, sẽ không từ chức ngay, mà sẽ chờ đợi để tìm được người kế nhiệm mình, dự kiến bắt đầu từ ngày 12/1 năm sau.

"Tôi sẽ gửi đơn tới Chủ tịch Đảng Lao động để khởi động quá trình lựa chọn nhà lãnh đạo mới vào ngày 12/1/2020. Tôi sẽ từ chức lãnh đạo Đảng Lao động vào ngày đó. Vài ngay sau, tôi sẽ từ chức Thủ tướng", ông Muscat nói.

"Sẽ mất khoảng 1 tháng để Đảng Lao động lựa chọn lãnh đạo mới, người sẽ thay tôi đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng", ông nói thêm.

Ông cũng nói rằng, bản thân mình đã gánh trách nhiệm phải đưa ra ánh sáng những người đứng sau cái chết của nhà báo Daphne ngay từ đầu. Ông cũng nói rằng, bản thân đã có thể lựa chọn cách làm tốt hơn.

"Tất cả trách nhiệm tôi phải gánh chịu không thể bằng nỗi đau của người nhà nạn nhân", ông cho hay.

Trước đó, doanh nhân Fenech (38 tuổi), đã ra tòa sơ thẩm với các tội danh âm mưu giết người. Tuy nhiên, Fenech đã phủ nhận các cáo trạng, nói rằng mình vô tội.

Fenech đã bị đưa ra xét xử sau khi Chính phủ từ chối đơn đề nghị được miễn truy tố của ông để đổi lại việc cung cấp thông tin về kế hoạch sát hại nhà báo Daphne cùng những vụ tham nhũng liên quan tới cựu Chánh Văn phòng của Thủ tướng là Keith Schembri và cựu Bộ trưởng Du lịch Konrad Mizzi cùng nhiều người khác.

Cả ông Schembri và Mizzi đều đã từ chức hồi đầu tuần trước.

Trước tuyên bố sẽ từ chức của ông Joseph Muscat, phe đối lập ngay lập tức khẳng định, Thủ tướng phải ra đi ngay lập tức. Cũng trong ngày 1/12, hàng nghìn người dân Malta đã tiếp tục tham gia cuộc biểu tình chống Chính phủ tại Thủ đô Valetta. 

Quốc hội Iraq chấp thuận đơn từ chức của toàn bộ Nội các của Thủ tướng Adel Abdul Mahdi

Tại Iraq, ngày 1/12, Quốc hội đã thông qua đơn từ chức của Nội các do Thủ tướng Adel Abdul Mahdi đứng đầu.

Chủ tịch Quốc hội Iraq cho biết, sau quyết định trên, ông sẽ đề nghị Tổng thống Barham Saleh chỉ định một Thủ tướng mới đứng ra thành lập Chính phủ.

Trước đó, ngày 29/11, Thủ tướng Adel Abdul Mahdi thông báo sẽ đệ đơn từ chức lên Quốc hội để các nghị sĩ có thể chọn ra một Chính phủ mới trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống Chính phủ nổ ra trên cả nước. 

Ngày 30/11, ông Abdul Mahdi tổ chức phiên họp bất thường thảo luận về việc gửi đơn từ chức và về nhiệm vụ hằng ngày của Chính phủ lâm thời theo Hiến pháp. Tại phiên họp, ông Abdul Mahdi kêu gọi Quốc hội tìm giải pháp phù hợp tại phiên họp tiếp theo và kêu gọi các thành viên của Chính phủ tiếp tục nhiệm vụ cho đến khi thành lập Chính phủ mới.

Liên tục trong 2 tháng qua, hàng chục nghìn người Iraq đã xuống đường tham gia các cuộc biểu tình tại Thủ đô Baghdad và các tỉnh miền Nam đòi chính quyền tiến hành cải cách toàn diện, cải thiện các dịch vụ công, tạo thêm việc làm cho người dân và chấm dứt nạn tham nhũng. Bạo động trong biểu tình đã khiến gần 420 người thiệt mạng.

Các cuộc biểu tình đặt ra thách thức lớn chưa từng thấy đối với Chính phủ kể từ sau khi Iraq tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng cách đây gần 2 năm.

Ngọc Anh