Một báo cáo đã cho biết, Anh đã kiếm được gấp tám lần từ việc bán vũ khí cho Ả Rập Xê-út và các thành viên khác trong liên minh chiến đấu ở Yemen so với số tiền mà Anh viện trợ để giúp những người dân thường đã bị cuốn vào cuộc xung đột. Các nhà vận động đã chỉ trích hành động này của Anh là hoàn toàn không nhất quán.

Kể từ khi cuộc nội chiến Yemen leo thang vào năm 2015, nền kinh tế của quốc gia này sụp đổ, nạn đói đã lan rộng đến mức Liên Hợp Quốc cảnh báo 10 triệu người đang đứng trước nạn đói và đã có những đợt dịch bệnh truyền nhiễm khủng khiếp bao gồm cả dịch tả.

Báo cáo của Oxfam cho thấy Anh đã viện trợ lương thực, thuốc men và các hỗ trợ khác trị giá 770 triệu bảng cho những người dân thường ở Yemen trong nửa thập kỷ qua, đưa nước này trở thành nước nhận viện trợ lớn thứ sáu của Anh. Nhưng so với cùng kỳ, Anh đã kiếm được 6,2 tỷ bảng từ việc bán vũ khí cho các thành viên của liên minh đang chiến đấu ở đó, bao gồm Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Cách Chính phủ Vương quốc Anh tiếp cận Yemen hoàn toàn không nhất quán - một mặt cung cấp viện trợ cho những người chịu ảnh hưởng bởi cuộc xung đột, và mặt khác, làm trầm trọng thêm cuộc xung đột đó bằng cách trang bị vũ khí cho những người liên quan, ông Mitch Sriskandarajah, Giám đốc Điều hành Oxfam nói. 

Các thành viên khác của liên minh đang chiến đấu ở Yemen, những người đã mua vũ khí của Anh từ năm 2015 là Kuwait, Bahrain, Ai Cập, Jordan, Senegal và Sudan, báo cáo cho biết.

Liên minh này lần đầu tiên can thiệp vào cuộc nội chiến Yemen vào năm 2015 để cố gắng khôi phục Chính phủ bị lật đổ bởi Houthis, một nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn. Hàng ngàn thường dân đã thiệt mạng kể từ đó, và hành vi đánh bom của liên minh do Ả Rập Xê-út đứng đầu bị buộc tội phải chịu trách nhiệm cho khoảng 2/3 trong số 11.700 người thiệt mạng trong các cuộc tấn công trực tiếp.

Tòa án Phúc thẩm hồi tháng 6 phán quyết rằng, việc bán vũ khí cho Ả Rập Xê-út - chiếm phần lớn trong tổng số vũ khí tại Yemen - là bất hợp pháp. Phán quyết cũng cáo buộc các bộ trưởng lờ đi câu hỏi liệu cuộc không kích giết dân thường ở Yemen có vi phạm luật pháp quốc tế hay không.

Liam Fox, khi đó là Bộ trưởng Thương mại Quốc tế, đã đáp lại phán quyết đó bằng cách đình chỉ việc bán vũ khí cho Ả Rập Xê-út đồng thời cho biết sẽ kháng cáo bản án trên.

Oxfam kêu gọi Chính phủ tôn trọng phán quyết của tòa án, tạm dừng bán vũ khí vô thời hạn và tập trung nỗ lực ngăn chặn xung đột và kêu gọi thêm quyên góp cho hoạt động cứu trợ khẩn cấp. 

Quỹ của Liên Hợp Quốc cho Yemen chỉ nhận được một phần ba số tiền cần thiết; kết quả là hầu hết các chương trình tiêm chủng đã bị dừng lại.

Báo cáo cho biết, những gì mà Vương quốc Anh đã viện trợ cho những người Yemen đói khát, vô gia cư chỉ là một phần khiêm tốn so với những gì họ đã thu được khi bán vũ khí cho Ả Rập Xê-út và đồng minh, báo cáo cho biết. “Vương quốc Anh nên làm mọi thứ có thể để kết thúc chiến tranh”, trích báo cáo.

Gần đây, có tin rằng Thủ tướng Boris Johnson, người từng là Bộ trưởng Ngoại giao năm 2016, khuyến nghị Anh cho phép Ả Rập Xê-út mua các bộ phận để chế tạo bom của Anh mà theo dự kiến ​​sẽ được triển khai ở Yemen, vài ngày sau cuộc không kích vào một nhà máy khoai tây ở nước này và đã giết chết 14 người.

Một ngày sau khi thương vụ đó được đề nghị phê duyệt, một ngôi trường ở Yemen đã bị tấn công bởi một cuộc không kích chết người khác, một phần của mô hình tấn công lặp đi lặp lại nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự bao gồm cả bệnh viện.

Báo cáo của Oxfam đã cung cấp những thông tin chi tiết về việc nhiều dự án xử lý nước, một nhà kho và một trung tâm xử lý dịch tả đã bị tấn công và hư hỏng hoặc bị phá hủy bởi các cuộc không kích trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2018.

Mặc dù đã nhiều lần yêu cầu, tổ chức từ thiện này vẫn không được phỏng vấn bởi Bộ Quốc phòng Anh hoặc Nhóm Đánh giá sự cố chung của Ả Rập Xê-út về các cuộc tấn công này.

“Liên minh này đang chỉ trả một phần nhỏ so với cái “giá” thực sự của những thương vụ mua bán vũ khí này,” ông Sriskandarajah nói. “Hàng triệu người Yemen đã phải rời bỏ nhà cửa, không có thức ăn và nước sạch, và chịu đựng những đợt bùng phát dịch bệnh khủng khiếp. Họ chính là những người đang phải “trả giá” cho những việc mà họ không hề làm.”

Trần Minh Tuấn (Theo The Guardian)