Động thái này diễn ra chỉ 2 tuần trước khi cuộc bầu cử Quốc hội được tiến hành.
 
Sau cuộc điều tra kéo dài 1 năm, một hồ sơ về 79 nghị sỹ đã được gửi tới Văn phòng Công tố "để bắt đầu các hành động pháp lý đối với các bị cáo" - nguồn tin của AFP cho biết.
 
Các công tố viên sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ và sau đó ra quyết định khởi tố một số hoặc tất cả các nghị sỹ có liên quan.
 
Tổng thống Madagascar đã cam kết chống tham nhũng ở quốc đảo Ấn Độ Dương.
 
Tình trạng tham nhũng trong nước ảnh hưởng tới mọi cấp độ xã hội và trở nên đáng báo động. Madagascar là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, xếp thứ 155/180 quốc gia về đánh giá Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.
 
Năm ngoái, vấn đề tham nhũng trở nên nóng bỏng khi các nghị sỹ ủng hộ việc Tổng thống khi đó là ông Hery Rajaonarimampianina đưa ra một dự luật cải cách Luật Bầu cử. Đáng nói, dự luật được đưa ra chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2018.
 
Các cựu Tổng thống Andry Rajoelina và Marc Ravalomanana tham gia tranh cử khi đó chỉ trích hành động này và cáo buộc ông Rajaonarimampianina đổi luật để làm lợi cho bản thân.
 
Phe đối lập cáo buộc một số nghị sỹ đã nhận khoảng 12.500 euro (14.000 USD) để đổi lấy lá phiếu ủng hộ việc cải cách luật. Số tiền này được trao trong cuộc họp bí mật tại một khách sạn sang trọng ở ngoại ô Thủ đô Antananarivo.
 
Sau đó, Cơ quan Chống tham nhũng đã mở một cuộc điều tra về 79 nghị sỹ, trong tổng số 151 người trong Quốc hội. Đây là những người đã bỏ phiếu ủng hộ việc cải cách Luật Bầu cử.
 
Trước sức ép của các cuộc biểu tình kéo dài 2 tháng, Tòa án Hiến pháp cuối cùng đã phải bãi bỏ một phần của những thay đổi trong Luật Bầu cử.
 
Theo AFP, toàn bộ những người liên quan đều thuộc phe của ông Rajaonarimampianina và chỉ một vài người trong đó ứng cử vào Quốc hội trong cuộc bầu cử ngày 27/5 tới.
 
Nếu bị kết tội, các nghị sỹ này phải đối mặt với án tù 5 năm vì nhận thù lao bất hợp pháp trong khi thi hành công vụ.

Ngọc Anh