Cải cách văn hóa chính trị
 
Nhà nước Bangladesh được xây dựng trên cơ sở hướng tới một xã hội dân chủ, thế tục và công bằng. Tuy nhiên, theo SHUJAN, dân chủ và công bằng xã hội vẫn chưa thực sự được thực thi ở trong nước, và vấn đề sử dụng tôn giáo trong hoạt động chính trị vẫn tồn tại. Thay đổi văn hóa chính trị và hành động chính trị là một yêu cầu bức thiết của Bangladesh lúc này.
 
Cải cách bầu cử
 
Bầu cử một cách tự do, công bằng và đáng tin cậy là cần thiết để tạo ra một chính phủ với sự đồng thuận của người dân. Tại Bangladesh, cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 11 vừa qua dù diễn ra trong tình trạng an ninh được thắt chặt tối đa, nhưng vẫn có ít nhất 17 người thiệt mạng và hơn 20 người bị thương do bạo lực trong ngày bỏ phiếu. Tiếp đó là nhiều cáo buộc liên quan đến gian lận bầu cử và từ chối quyền bầu cử của người dân.
 
Trên cơ sở nghiên cứu 50 khu vực bầu cử, Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Bangladesh (TIB) đã đặt câu hỏi về độ tin cậy của cuộc bầu cử và cho rằng, những lo ngại về sự gian lận là có thể.
 
Trước đó, trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 10, do bạo lực trước bầu cử, tỷ lệ cử tri đi bầu thấp, chỉ đạt 22% tại thủ đô Dhaka. Hàng trăm trạm bỏ phiếu bị đóng cửa sớm do lo ngại về an ninh.
 
Bởi vậy, làm trong sạch quá trình bầu cử, bầu cử minh bạch và cải cách hệ thống bầu cử là vấn đề Bangladesh cần nghiêm túc xem xét, thực hiện.
 
Quốc hội hiệu quả
 
Quốc hội hoạt động có hiệu quả, hiệu lực để bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm của cơ quan lập pháp. Bên cạnh đó, cần một Đạo luật về Quy tắc ứng xử cho các nghị sỹ Quốc hội để ngăn chặn xung đột lợi ích và Luật Đặc quyền để bảo đảm trách nhiệm giải trình theo quy định của Hiến pháp.
 
Tư pháp độc lập
 
Bảo đảm sự độc lập của ngành tư pháp và pháp quyền bằng cách tách tư pháp ra khỏi cơ quan hành pháp, khôi phục các Điều khoản 115 và 116 trong Hiến pháp của Bangladesh. Xây dựng luật quy định việc bổ nhiệm và sa thải các thẩm phán trong ngành tư pháp. Và rất quan trọng, cần dừng ngay việc gây ảnh hưởng đến tư pháp, chấm dứt thực hiện nộp đơn kiện thiếu căn cứ và rút đơn kiện dựa trên những cân nhắc chính trị.
 
Ủy ban Bầu cử độc lập
 
Cần ban hành luật để thiết lập một Ủy ban Bầu cử độc lập với những con người liêm chính. Ủy ban này cần độc lập tài chính và tự chủ để thực hiện các chức năng riêng của mình, bảo đảm tính trung lập.
 
Cải cách Hiến pháp
 
Cần một ủy ban chuyên trách về sửa đổi Hiến pháp. Trong đó, chú trọng cải cách xung quanh các nội dung như: Giới hạn nhiệm kỳ, dành 1/3 số ghế trong Quốc hội cho phụ nữ và bầu họ trực tiếp, thiết lập thượng nghị viện, cải cách Điều 70, điều khoản về trưng cầu dân ý...
 
Các đảng chính trị dân chủ
 
Cải cách các đảng chính trị để bảo đảm nền dân chủ nội bộ, minh bạch trong quá trình đề cử và tài trợ... Từ bỏ chủ nghĩa cực đoan, bạo lực giữa các đảng phái và nội bộ...
 
Cải cách một số cơ quan pháp lý
 
Sửa đổi pháp luật và bổ nhiệm những người thích hợp vào các cơ quan theo luật định, cụ thể là các cơ quan: Ủy ban Chống tham nhũng, Ủy ban Nhân quyền và Ủy ban Thông tin, để bảo đảm tính độc lập và hiệu quả của chúng.
 
Chiến dịch chống tham nhũng
 
Phải khởi xướng một chiến dịch chống tham nhũng toàn diện bằng cách thiết lập tòa án đặc biệt để xét xử và trừng phạt các quan chức tham nhũng. Bên cạnh đó, cần phải có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn việc chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài và thu hồi số tiền bị mất do tham nhũng...
 
Cải cách dịch vụ công
 
Bao gồm sửa đổi Luật Dịch vụ Dân sự và Luật Cảnh sát theo hướng hiện đại, bảo đảm tính trung lập và tính chuyên nghiệp của bộ máy công quyền cũng như các cơ quan thực thi pháp luật. Chấm dứt tham nhũng trong việc bổ nhiệm, tuyển dụng các cán bộ công chức và điều chuyển, luân chuyển thường xuyên, hướng tới hiệu quả trong phục vụ các dịch vụ công.
 
Phân cấp và chính quyền địa phương
 
Cần nhất quán theo một chương trình nghị sự phân cấp và để các cơ quan chính quyền địa phương tự chủ, hoạt động hiệu quả. Phân bổ 50% ngân sách phát triển hàng năm và bản địa hóa các mục tiêu phát triển bền vững thông qua các cơ quan chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, chấm dứt việc kết nối các nghị sỹ từ chính quyền địa phương, theo như phán quyết của Tòa án Tối cao.
 
Báo chí độc lập
 
Bảo đảm tính độc lập của các phương tiện báo chí truyền thông, thông qua các cải cách pháp lý bao gồm: Sửa đổi Luật An ninh kỹ thuật số; thành lập Hội đồng Phát thanh để bảo đảm việc thông tin khách quan của các phương tiện truyền thông công cộng.
 
Xã hội dân sự mạnh mẽ
 
Một xã hội dân sự có sức mạnh có thể giúp cho nền dân chủ hiệu quả và đạt được sự quản trị tốt thông qua cách hoạt động như một cơ quan giám sát cho các cơ quan lập hiến và pháp luật. Bởi vậy, cần tạo môi trường thuận lợi để bảo đảm sự hoạt động hiệu quả của xã hội dân sự.
 
Bảo vệ nhân quyền
 
Theo đề xuất của SHUJAN, cần phải bảo vệ quyền tự do ngôn luận và các quyền cơ bản khác bằng cách sửa đổi các luật áp chế. Phải chấm dứt các vụ mất tích không tự nguyện, bắt cóc và giết người phi pháp.
 
Một khế ước xã hội mới
 
Bangladesh cần xây dựng một khế ước xã hội mới, để bảo đảm cơ hội bình đẳng cho người nghèo và bảo đảm phần tài nguyên quốc gia của họ, bao gồm: Cung cấp các khoản vay được trợ cấp, bảo hiểm mùa màng và các khoản tương tự. Cung cấp hệ thống giáo dục chất lượng và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó có bảo hiểm y tế cho các gia đình, là những ưu tiên hàng đầu.
 
Môi trường bền vững
 
Bảo đảm sự bền vững cho môi trường và xây dựng các kế hoạch dài hạn cho quốc gia để đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đánh giá lại các dự án phát triển và từ bỏ những dự án có tính rủi ro môi trường nghiêm trọng.
 
Cải cách ngành tài chính
 
Phải dừng ngay việc bảo vệ những kẻ tham nhũng, cướp bóc và đưa những đối tượng vi phạm pháp luật ra trước công lý. Cùng với đó, bảo đảm quản trị tốt trong lĩnh vực tài chính thông qua một Ủy ban Ngân hàng độc lập. Ủy ban này có vai trò bảo đảm sự độc lập của Ngân hàng Bangladesh và giám sát chặt chẽ hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng.
 
Đầu tư vào thanh niên
 
Đầu tư vào giới trẻ bằng cách chú trọng tới giáo dục, y tế, dinh dưỡng chất lượng cao và bảo đảm an toàn cho họ.
 
Trên đây là 18 đề xuất cải cách mà SHUJAN của Bangladesh đưa ra trên cơ sở 10 cuộc tham vấn trên phạm vi toàn quốc, được thực hiện trong nhiều tháng qua.

Hoài Phương