Đang truy nã 8 đối tượng trong vụ Nhật Cường

Tại cuộc họp báo thông báo kết quả phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều tối nay (3/8), báo chí đề cập việc ngày 22/7, lái xe, thư ký của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và một cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc chiếm đoạt tài liệu mật trong vụ án Nhật Cường.

“Bộ Công an cho biết tài liệu mật thuộc lĩnh vực gì? Có tính chất như thế nào?”, báo chí đặt câu hỏi.

Trả lời, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho hay, vụ án Nhật Cường là vụ rất nghiêm trọng, phức tạp, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi và chỉ đạo.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án về 4 tội danh gồm: Buôn lậu; vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Hiện đã khởi tố 28 bị can, trong đó đã bắt giam 20 người, truy nã 8 người.

Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tích cực điều tra. Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, sẽ cố gắng kết thúc điều tra trong quý III/2020.

Cũng theo ông Xô, ngày 16/7, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.

Ngày 21/7, đã khởi tố và bắt tạm giam 3 bị can có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật liên quan đến Công ty Nhật Cường, trong đó có 2 bị can thuộc UBND TP Hà Nội, 1 bị can thuộc C03.

“Vụ án đang trong quá trình điều tra, khi có kết quả, Bộ Công an sẽ thông tin đến báo chí”, ông Xô nói.

Trước đó, quá trình điều tra Vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" xảy ra tại Hà Nội, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với 3 cá nhân có hành vi chiếm đoạt tài liệu mật trong vụ án "Công ty Nhật Cường" do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thụ lý điều tra.

Cụ thể gồm: Nguyễn Anh Ngọc, sinh ngày 20/5/1974; số 104 Ái Mộ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội; nghề nghiệp: Phó trưởng Phòng Thư ký - Biên tập, Văn phòng UBND Hà Nội. Nguyễn Hoàng Trung, sinh ngày 27/7/1983; phòng 1602, tòa T2 chung cư Sun Grand City Lương Yên, số 3 Lương Yên, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; nghề nghiệp: Chuyên viên Phòng Thư ký - Biên tập, Văn phòng UBND TP Hà Nội. Phạm Quang Dũng, sinh ngày 16/7/1983; phòng 3312 CT1 chung cư Eco Green, đường Nguyễn Xiển, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội; nghề nghiệp: Nguyên cán bộ Công an.

Phát hiện 21 vụ với 177 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép

Tại buổi họp báo, phóng viên cũng đặt câu hỏi đề nghị Bộ Công an cho biết về kết quả về các đường dây đưa người nhập cảnh vào Việt Nam?

Về vấn đề này, theo Tướng Tô Ân Xô, khi dịch bệnh có dấu hiệu lây lan trở lại, Bộ Công an đã ban hành rất nhiều công văn, chỉ đạo các đơn vị địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, 19 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh, kiểm tra, kiểm soát nhập cảnh ở các cửa khẩu quốc tế; phối hợp và xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép ở các địa phương có đường mòn lối mở; bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh ở các khu vực cách ly tập trung...

Liên quan đến người nhập cảnh trái phép, ông Xô cho biết, có người Trung Quốc và bà con ta đi lao động, làm việc ở các nước láng giềng trở lại.

Từ đầu năm đến nay, có 27/63 địa phương trên cả nước có người Trung Quốc nhập cảnh trái phép với 504 người, trong đó, An Giang có 44 trường hợp, Bắc Ninh 35, Đà Nẵng 78 người, TP Hồ Chí Minh là 12, Lai Châu 36, Lạng Sơn 29, Quảng Ninh 126 và Tây Ninh 32.

Từ tháng 6 đến nay, cơ quan công an, biên phòng các địa phương đã phát hiện 21 vụ với 177 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, đã khởi tố 5 vụ với 19 người Việt Nam và 1 người Trung Quốc về hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép.

Cũng theo Chánh Văn phòng Bộ Công an, số lượng đông mà một số báo chí tuyên truyền là có hàng chục, hàng trăm người nhập cảnh trái phép thì đa phần là bà con của chúng ta đi lao động "chui" ở Trung Quốc, đặc biệt là bà con ở các tỉnh biên giới.

"Học sinh, sinh viên, người lao động của nước ta ở các nước phương Tây thì được máy bay đón về, chăm sóc chu đáo. Trong khi số bà con đi lao động ở Lào, Campuchia, Trung Quốc về thì chưa được như thế", ông Xô nói và cho rằng phải có chính sách phù hợp, nhất là khi đường mòn, lối mở nhiều nên bà con đi về rất đông.

 Đang làm rõ nghi án hối lộ 25 triệu yên

 Liên quan đến vụ nghi vấn Công ty Tenma Nhật Bản đưa hối lộ 25 triệu yên cho cán bộ thuế, hải quan ở Bắc Ninh, theo Chánh Văn phòng Bộ Công an, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chỉ đạo công an Bắc Ninh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành xác minh làm rõ.

Đồng thời có văn bản đề nghị Thanh tra Bộ Tài chính tiến hành thanh tra việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của Công ty Tenma.

Ông Xô cho biết, do vị Tổng Giám đốc - đại diện pháp luật của Công ty và Giám đốc Hành chính sản xuất đều xuất cảnh về Nhật Bản trước dịch Covid-19, đến nay chưa trở lại Việt Nam nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chưa làm việc được trực tiếp với 2 đại diện này.

Hiện Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và các đơn vị liên quan để thu thập thông tin, tài liệu phục vụ điều tra.

Hương Giang