Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa tham nhũng 

Báo cáo công tác PCTN 6 tháng đầu năm 2022 của UBND tỉnh Hoà Bình cho thấy, công tác PCTN trong tỉnh đã có bước tiến quan trọng, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được quan tâm thực hiện đồng bộ, nhất là việc công khai, minh bạch hoạt động của bộ máy nhà nước, cải cách hành chính, quản lý, sử dụng tài sản công, hành vi tham nhũng trên một số lĩnh vực nhạy cảm được kiềm chế.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về PCTN được quan tâm triển khai thực hiện, công tác phòng ngừa tham nhũng được thực hiện trên tất cả các mặt. Các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về công tác PCTN, phối hợp chặt chẽ, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo công tác PCTN; tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo phát sinh, nắm chắc tình hình, thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã tổ chức 88 lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật về PCTN với 8.584 lượt người tham gia học tập. 100% các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thực hiện minh bạch về tổ chức và hoạt động theo đúng quy định. Các cấp, các ngành đã ban hành mới 167 văn bản, sửa đổi bổ sung 22 văn bản cho phù hợp quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã thực hiện chuyển đổi 106 vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

UBND tỉnh đã yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

Thanh tra tỉnh thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư liên quan đến việc nhũng nhiễu của cán bộ công chức, viên chức trong giải quyết công việc.

Công tác cải cách hành chính (CCHC) được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, then chốt trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiệm vụ CCHC trên địa bàn năm 2022 được thực hiện đồng bộ trên cả 6 lĩnh vực cải cách. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả tốt.

UBND tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh, Sở Nội vụ tỉnh triển khai thực hiện việc kê khai tài sản thu nhập năm 2021 theo quy định.

Chưa phát hiện tham nhũng

Qua hoạt động giám sát, kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ; qua công tác thanh tra, kiểm toán; qua xem xét phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng và qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo… của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh Hoà Bình chưa phát hiện tham nhũng.

leftcenterrightdel
Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động tại huyện Lạc Thuỷ ngày 14/6. Ảnh: Lan Anh

Việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được triển khai nhanh, có hiệu quả cao, việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ cao so với toàn quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình tiếp tục điều tra 5 vụ/9 bị can liên quan đến tham nhũng, gồm:

Án kỳ trước chuyển sang: 3 vụ/ 5 bị can (PC03 khởi tố 2 vụ/3 bị can; Công an huyện Lạc Thủy khởi tố 1 vụ/2 bị can), cụ thể: Vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Hợp tác xã Nghĩa Phương, TP Hòa Bình (1 bị can);  vụ án lạm quyền trong khi thi hành công vụ xảy ra tại xã Lạc Long, huyện Lạc Thủy 1 vụ/2 bị can; vụ án lạm quyền trong thi hành công vụ xảy ra tại xã An Bình, huyện Lạc Thủy 1 vụ/2 bị can.

Phòng PC03, Công an tỉnh khởi tố mới 2 vụ/4 bị can. Cụ thể: Vụ án lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ xảy ra tại thư viện tỉnh Hòa Bình với 1 bị can; vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ xảy ra xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc với 3 bị can.

Tài sản thiệt hại qua các vụ án được xác định là 2.145 triệu đồng; đến nay đã thu hồi được 1.840 triệu đồng, đạt 85,8%.

Trong kỳ không có trường hợp người đứng đầu, cấp, cấp phó của người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng.

Tham nhũng giảm nhưng tinh vi, phức tạp

Theo UBND tỉnh Hoà Bình, hiện nay, tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp; công tác tự kiểm tra nội bộ để phát hiện tham nhũng hiệu quả chưa cao; hiện tượng nhũng nhiễu của một số cán bộ, công chức, viên chức khi tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn triệt để.

Thời gian tới tình hình tham nhũng trên địa bàn tỉnh sẽ giảm về số vụ việc do có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã được quán triệt sâu sắc các quy định của pháp luật về PCTN; việc công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan Nhà nước ngày càng thể hiện rõ nét; trình độ, ý thức pháp luật của người dân, doanh nghiệp được nâng cao…

Số đối tượng tham nhũng giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên tính chất, mức độ vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp.

Lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng - ngân hàng, quản lý sử dụng tài chính, ngân sách, vốn và tài sản công tiếp tục là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, có thể có một số vụ việc với mức độ tinh vi hơn. Bên cạnh đó tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi “tham nhũng vặt” ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn xảy ra.

Trần Kiên