Tây Ban Nha đã dẫn độ một cựu giám đốc điều hành người Iran có liên quan đến một vụ tham nhũng lớn. Cơ quan Tư pháp Iran cho biết đây là vụ dẫn độ từ châu Âu đầu tiên có tính chất như vậy.

Alireza Heydar Abadipour, cựu Giám đốc Điều hành Ngân hàng Sarmayeh, đã xuống Sân bay Quốc tế Imam Khomeini ở Tehran, nơi các quan chức truyền thông và cảnh sát đang chờ đợi sự xuất hiện của ông.

Heydar Abadipour bị bắt ở Tây Ban Nha vào tháng 6 năm 2019 sau khi Cảnh sát Iran yêu cầu Interpol đưa ra “thông báo đỏ” - yêu cầu truy bắt nhằm mục đích bắt giữ và dẫn độ tội phạm.

Ông Heydar Abadipour đã bị xét xử vắng mặt và nhận bản án 12 năm tù.

Ông có liên quan đến một vụ gian lận và tham ô lớn tập trung vào Ngân hàng Sarmayeh và Quỹ Đầu tư cho giáo viên của Iran. Vụ án này liên quan đến hàng trăm triệu đô la.

Theo Cơ quan Tư pháp Iran, Heydar Abadipour bị truy nã vì "phá vỡ hệ thống tài chính của đất nước" thông qua tham nhũng và mua lại tài sản bất hợp pháp.

Hadi Shirzad, Tổng Tư lệnh Interpol Iran, hôm thứ Tư cho biết, tổ chức này đã sử dụng cơ sở dữ liệu của Interpol và phối hợp với chính quyền địa phương và nước ngoài để đưa ra thông báo đỏ, từ đó theo dõi và định vị ông Heydar Abadipour.

“Dựa trên thông báo đỏ được ban hành và sự phối hợp với cảnh sát và cơ quan ngoại giao của nước khác, nghi phạm đã bị bắt,” Shirzad nói.

Cơ quan Tư pháp Iran cho biết trên trang web của mình rằng, việc dẫn độ là bước quan trọng đầu tiên trong việc thực hiện mệnh lệnh do người đứng đầu tổ chức, ông Ebrahim Raisi, ban hành vào đầu năm nay để đưa một số cựu giám đốc điều hành đang lẩn trốn trở lại Iran.

“Không nghi ngờ gì nữa, những nỗ lực của hệ thống tư pháp và các tổ chức khác nhằm bắt giữ Heydar Abadipour sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những đối tượng có hành vi biển thủ công quỹ khác hiện đã trốn ra nước ngoài và tìm kiếm bến đỗ ở các nước phương Tây,” tuyên bố cho biết.

Cơ quan Tư pháp Iran cho biết cũng sẽ truy lùng những đối tượng khác có hành vi có tính chất tương tự như ông Heydar Abadipour.

Iran đã chứng kiến một số vụ gian lận và tham ô lớn trong 10 năm qua. Một số quan chức lớn đã tìm cách trốn khỏi đất nước.

Trong số đó nổi bật nhất là Mahmoud Reza Khavari, cựu Giám đốc Điều hành Ngân hàng Nhà nước Melli, ngân lớn nhất của đất nước này.

Khavari, mang hai quốc tịch Canada, trốn khỏi Iran đến Canada vào năm 2010. Ông là nhân vật chủ chốt trong một vụ tham ô ước tinh trị giá 2,6 tỷ USD vào thời điểm đó, được cho là vụ tham ô lớn nhất trong lịch sử Iran.

Khavari đã bị tòa án Tehran kết án 30 năm tù vắng mặt vào năm 2017. Canada, quốc gia không có thỏa thuận dẫn độ với Iran và đã cắt quan hệ ngoại giao với nước này, đã từ chối dẫn độ ông ta.

Đầu tháng này, Hoa Kỳ đã áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực tài chính của Iran, áp lên 18 bên cho vay - bao gồm cả Ngân hàng Sarmayeh - trong nỗ lực tiếp tục cắt giảm nguồn thu của Iran khi Washington gia tăng áp lực lên Tehran, chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Động thái này đóng băng bất kỳ tài sản nào của Hoa Kỳ hiện nằm ở các quốc gia trong danh sách đen và cấm người Mỹ giao dịch với các quốc gia đó, đồng thời mở rộng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với những người làm ăn với các quốc gia trong danh sách đen. Điều này có nghĩa là các ngân hàng nước ngoài có nguy cơ mất quyền tiếp cận thị trường và hệ thống tài chính của Mỹ.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một tuyên bố, các lệnh cấm không áp dụng đối với các giao dịch bán hàng hóa nông nghiệp, thực phẩm, thuốc men hoặc thiết bị y tế cho Iran, đồng thời cho biết nước này hiểu nhu cầu về hàng hóa nhân đạo.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cáo buộc Mỹ đang cố gắng hạn chế khả năng chi trả cho các nhu cầu thiết yếu của Iran trong đại dịch COVID-19.

Trần Minh Tuấn (Theo Al Jazeera)