Để công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN đi vào chiều sâu, có hiệu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn.

Qua kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện vi phạm với tổng số tiền sai phạm là 417,3 triệu đồng. Trong đó, UBND huyện Thăng Bình phát hiện và kiến nghị thu hồi 399,2 triệu đồng, Sở Giáo dục và Đào tạo phát hiện 1 vụ vi phạm/4 cá nhân vi phạm với số tiền 18 triệu đồng.

Các đơn vị, địa phương thực hiện định kỳ kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn theo thẩm quyền quản lý cán bộ; với số người được chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng trên địa bàn tỉnh là 101 người.

Trong năm 2020, trên địa bàn Quảng Nam không có trường hợp nào bị xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

UBND tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh năm 2020, với mục tiêu đánh giá trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo triển khai cải cách hành chính tại một số cơ quan, đơn vị, kết quả triển khai các nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch về cải cách hành chính của tỉnh và kiểm tra chuyên đề về cải cách thủ tục hành chính; công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 trong hoạt động của cơ quan hành chính. Tỉnh đã thành lập 5 đoàn kiểm tra và đã kiểm tra tại 20 đơn vị, địa phương; đặc biệt đoàn kiểm tra do Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp kiểm tra trách nhiệm tại 7 sở, ngành và địa phương.

Ngoài ra, Sở Nội vụ tổ chức đợt khảo sát, kiểm tra thực tế tại các địa phương gồm: UBND huyện Thăng Bình, Nông Sơn, Núi Thành và huyện Quế Sơn (mỗi huyện kiểm tra 4 xã).

Năm 2020, qua hoạt động tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương không phát hiện trường hợp nào có hành vi tham nhũng.

Từ hoạt động thanh tra đã phát hiện 3 vụ việc liên quan đến tham nhũng. Cụ thể: UBND huyện Duy Xuyên thành lập đoàn kiểm tra đột xuất việc quản lý, sử dụng kinh phí trong hoạt động dân quân tại Xã đội Duy Sơn giai đoạn 2016-2019. Qua kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm khác nhau với tổng số tiền 598,5 triệu đồng. UBND huyện đã kết luận và chuyển hồ sơ vụ việc này sang Cơ quan Điều tra Công an huyện để điều tra, xử lý theo quy định. Cơ quan Điều tra Công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Hiện, vụ việc đang tiếp tục thực hiện các bước tố tụng quy định của pháp luật.

Thanh tra việc lập hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) lần đầu đối với 4 trường hợp tại phường Điện Ngọc, Thanh tra thị xã Điện Bàn đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan Điều tra Công an thị xã để điều tra làm rõ hành vi vi phạm của ông Trần Mười, công chức địa chính phường trong việc lập hồ sơ, thủ tục để công nhận và cấp sổ đỏ cho hộ ông Giang Công và hộ ông Nguyễn Quốc không đúng quy định của pháp luật. Ông Mười vừa bị khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng về tội “ cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”.

Thanh tra huyện Đại Lộc đã tiến hành thanh tra cấp sổ đỏ tại thôn Ngọc Thạch, xã Đại Hồng cho 7 hộ dân trong xã; nhận thấy việc cấp sổ đỏ có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ngày 9/9/2020, UBND huyện Đại Lộc đã chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Điều tra Công an huyện tiếp tục điều tra làm rõ vi phạm.

Trong năm 2020, cơ quan điều tra các cấp thuộc Công an tỉnh thụ lý điều tra 15 vụ/ 26 bị can có hành vi tội tham nhũng. Trong đó: Kỳ trước chuyển sang 6 vụ/8 bị can, khởi tố mới 9 vụ/18 bị can, gồm các tội danh “giả mạo trong công tác” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “tham ô tài sản”, “nhận hối lộ”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”… Kết thúc điều tra 8 vụ/17 bị can, đang tiếp tục điều tra 7 vụ với 9 bị can.

Năm 2020, TAND hai cấp tỉnh Quảng Nam thụ lý sơ thẩm 7 vụ/13 bị cáo; giải quyết, xét xử sơ thẩm 6 vụ/9 bị cáo; còn lại 1 vụ/4 bị cáo đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Cụ thể như: Vụ án hình sự nguyên Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Tranh, huyện Bắc Trà My cùng với 2 bị cáo khác phạm tội “tham ô tài sản”; vụ Nguyễn Xuân Hiệp, Chuyên viên Phòng Nội vụ huyện Nông Sơn phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; vụ Huỳnh Tự Tuyên, Phó Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đại Lộc, Lương Xuân Quyền, cán bộ địa chính xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành phạm tội “nhận hối lộ”... Toà đã tuyên với mức án thấp nhất là 2 năm, cao nhất là 7 năm tù giam về tội tham nhũng.

Đánh giá mức độ thiệt hại về kinh tế do hành vi tham nhũng gây ra trong toàn tỉnh Quảng Nam là hơn 109,4 tỷ đồng, dưới 1% tổng chi ngân sách Nhà nước năm liền kề của tỉnh và đã thu hồi 67,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 61,91%.

Tỉnh tự nhận định về tình hình tham nhũng năm 2020 trên địa bàn ở mức độ phổ biến của hành vi tham nhũng là phổ biến, mức độ thiệt hại về kinh tế do tham nhũng thấp và mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng là nghiêm trọng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, dự báo trong thời gian đến, tình hình tham nhũng tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường; nhất là ở các lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, đất đai… Vì vậy, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tham nhũng một cách toàn diện hơn để tiếp tục kiểm soát tốt tình hình, từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, TP trong tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về PCTN, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra đối với các lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng như: Quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản, đầu tư và xây dựng cơ bản, bồi thường, hỗ trợ tái định cư…

Ngọc Phó