Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đã ký báo cáo gửi tới Quốc hội về công tác của các TA năm 2020.

Hạn chế được tẩu tán tài sản bị chiếm đoạt

Theo báo cáo này, năm 2020, các TA đã thụ lý hơn 602.000 vụ việc, giải quyết được hơn 544.600 vụ việc (đạt tỷ lệ 90,4%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của TA là 1,06%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.

“Việc xét xử các vụ án hình sự trong năm qua bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm”, báo cáo nhấn mạnh.

Liên quan đến việc thụ lý, xét xử các tội phạm tham nhũng, các TA đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 436 vụ, với 1.175 bị cáo; đã xét xử 269 vụ với 645 bị cáo.

Trong số các bị cáo phạm tội tham nhũng đã xét xử, các TA cấp sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân và tử hình đối với tám bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 44 bị cáo… Đáng chú ý, các vụ án kinh tế, tham nhũng đã được xử lý nghiêm, trong đó có nhiều vụ án được dư luận xã hội rất quan tâm.

Để chứng minh, báo cáo dẫn lại loạt vụ án như vụ án Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm phạm tội “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma; vụ án Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và các đồng phạm phạm tội “vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “nhận hối lộ” và “đưa hối lộ” xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, AVG và các đơn vị có liên quan; vụ án Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm phạm tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại TP Hồ Chí Minh…

“Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Chánh án TAND Tối cao luôn quan tâm chỉ đạo các TA kịp thời đưa ra xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, do đó trong năm qua không có vụ án nào để quá hạn luật định. Các TA đã áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước”, báo cáo nêu rõ. 

Cạnh đó, TA còn áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Báo cáo cho thấy, có 25 vụ với 47 bị cáo phạm tội kinh tế, tham nhũng đã áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong giai đoạn điều tra, truy tố chuyển cho TA xét xử và không có vụ án nào TA thay đổi, hủy bỏ các biện pháp này trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Tổng số tài sản phải thu hồi trong các vụ án kinh tế, tham nhũng theo quyết định của TA cấp sơ thẩm là trên 7,1 nghìn tỷ đồng.

Còn án bị huỷ, sửa “do nguyên nhân chủ quan”

Thẩm tra báo cáo của Chánh án TAND Tối cao, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, TAND các cấp tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại án và đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều chỉ tiêu công tác tăng so với năm 2019, đặc biệt, tỷ lệ giải quyết án đạt 97,8%, vượt 9,8% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội.

“Trong kỳ báo cáo, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà TA áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Việc cho các bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ tiếp tục được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ”, Uỷ ban Tư pháp nêu.

Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được nâng lên. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu theo yêu cầu nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, theo Uỷ ban Tư pháp, vẫn còn trường hợp phải hủy án (chiếm 0,59%) và sửa án do nguyên nhân chủ quan (chiếm 0,26%).

Báo cáo của một số Viện KSND địa phương phản ánh, một số vụ án còn vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn hoãn phiên tòa, thời hạn gửi bản án, quyết định cho Viện và người tham gia tố tụng. Ngoài ra, còn một số trường hợp áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt chưa chính xác; một số trường hợp cho hưởng án treo chưa đúng quy định của pháp luật…

“Có trường hợp sau khi tuyên án, đương sự phản ứng bức xúc với kết quả xét xử và dư luận xã hội chưa đồng tình”, báo cáo thẩm tra nhận định và dẫn chứng vụ án tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông Phan Quý và ông Lê Văn Dư tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Vụ việc này, Chánh án TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh. Ủy ban Thẩm phán - TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự sơ thẩm của TAND quận Gò Vấp và bản án dân sự phúc thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh để yêu cầu xét xử lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

3 đề nghị với Chánh án TAND Tối cao

Trong báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chánh án TAND tối cao tiếp tục triển khai giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác giải quyết các loại án, nhất là giải quyết án kinh doanh, thương mại, án hành chính, bảo đảm chất lượng giải quyết án hành chính đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội.

Cạnh đó, triển khai các giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, bảo đảm chỉ tiêu được Quốc hội giao.

Uỷ ban Tư pháp cũng đề nghị Chánh án đẩy mạnh công tác tổng kết áp dụng pháp luật qua thực tiễn xét xử, trên cơ sở đó ban hành các nghị quyết, lựa chọn và công bố các án lệ, đồng thời tăng cường hoạt động giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Hương Giang