Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã thành lập một ủy ban cấp bộ để điều tra cáo buộc tham nhũng trong các vụ đấu thầu cấp Nhà nước trong cuộc chiến chống lại COVID-19, do Chính phủ phải nhận những lời chỉ trích về cách ứng phó với đại dịch.

Các báo cáo về các giao dịch đáng ngờ giữa các quan chức Chính phủ và các doanh nghiệp cung cấp thiết bị y tế, cũng như các gói hàng viện trợ thực phẩm cho người nghèo, đã gây ra sự phẫn nộ ở Nam Phi, nơi có tới hơn nửa triệu trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, khiến quốc gia này trở thành quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ năm thế giới.

Ít nhất 9.604 người đã tử vong, 387.000 người đã hồi phục tính đến này 07/08, theo Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm.

Cơ quan giám sát chống tham nhũng của Nam Phi hôm thứ Hai cho biết, đang điều tra những bất thường trong các vụ đấu thầu này. Đây là vụ bê bối mới nhất trong một loạt vụ bê bối tham nhũng cấp cao liên quan đến các cá nhân có liên quan về mặt chính trị.

"Ủy ban sẽ điều tra hành vi tham nhũng trong việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ được cung cấp cho mục đích ngăn chặn và ứng phó với đại dịch COVID-19, bao gồm việc mua sắm thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE)", một tuyên bố từ văn phòng của ông Ramaphosa cho biết hôm thứ Năm.

Quốc gia châu Phi này chiếm hơn một nửa tổng số ca nhiễm COVID-19 của lục địa này. Hơn 24.000 nhân viên y tế đã mắc bệnh và 181 người đã tử vong kể từ tháng Ba.

Các nhân viên y tế và công đoàn nói rằng tham nhũng là một phần nguyên nhân dẫn đến công tác cung cấp dịch vụ kém chất lượng và khiến mạng sống của người dân gặp nguy hiểm.

"Khi các ca bệnh đầu tiên được ghi nhận trở lại vào tháng 3, Chính phủ đã tuyên bố tình trạng thảm họa, điều đó có nghĩa là thủ tục đấu thầu bình thường cho các hợp đồng của Chính phủ đã bị hủy bỏ", bà Fahmida Miller của tờ Al Jazeera, đưa tin từ Johannesburg. "Trong vòng vài ngày sau khi thông báo tình trạng thảm họa, một số hợp đồng đáng ngờ đã được ký kết."

"Bây giờ, Bộ trưởng Tài chính Tito Mboweni nói rằng quá trình đấu thầu phải minh bạch hơn."

Mặc dù Chính phủ đã ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp các thiết bị bảo hộ cá nhân, giá hiện nay đã bị thổi phồng. Các thiết bị bảo hộ cá nhân hoàn toàn không được giao hoặc các hợp đồng đã được trao cho các công ty và những người có liên quan đến Chính phủ và Đảng Quốc hội Châu Phi (ANC) hiện đang cầm quyền.

Đơn vị Điều tra Đặc biệt (SUI), một cơ quan Chính phủ, cho biết 102 công ty ở tỉnh Gauteng đang bị điều tra.

Trong khi đó ở các tỉnh khác, các quan chức đã bị đình chỉ công tác và các cuộc điều tra đã bắt đầu, nhưng vẫn chưa có ai bị buộc tội hoặc truy tố.

"Rất khó để đưa ra con số vì những cáo buộc vẫn tiếp tục được đưa ra và, thật không may, do không có biện pháp bảo vệ và ngăn chặn tại chỗ hiệu quả, chúng tôi có thể chỉ biết mức độ của các hành vi tham nhũng trong sáu hoặc tám tháng sau đó," ông Karam Singh, người đứng đầu bộ phận pháp lý và điều tra tại Corrupt Watch, nói với Al Jazeera.

Người phát ngôn chính của Tổng thống Ramahosa, bà Khusela Diko, cũng dính vào một vụ bê bối liên quan đến chồng bà, ông Thandisizwe. Công ty của ông đã bị cáo buộc giành được hợp đồng trị giá 7 triệu đô la để cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân thông qua các mối quan hệ chính trị của ông. Bà Diko đã nghỉ phép. Bà và chồng đều phủ nhận việc thực hiện bất kỳ hành vi trái pháp luật nào.

Người đứng đầu ngành y tế của tỉnh Gauteng, ông Bandile Masuku, và vợ của ông cũng bị liên đới.

Trần Minh Tuấn (Theo Al Jazeera)