Nhiu ý kiến trái chiu

Người dân Mexico đã đi bỏ phiếu hôm 1/8 trong một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc do Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador thúc đẩy về việc có nên điều tra và truy tố những người tiền nhiệm của ông vì cáo buộc tham nhũng hay không.

Tổng thống Lopez Obrador - người nhận mình là một chiến binh chống tham nhũng - cho biết, cuộc tham vấn công chúng sẽ củng cố nền dân chủ trong nước.

Để được thừa nhận kết quả, 37,4 triệu cử tri (chiếm 40%) phải tham gia. Tuy nhiên, thực tế là nhiều cử tri tỏ ra không hào hứng với cuộc trưng cầu dân ý này.

Roy Campos, Giám đốc Mitofsky (công ty thăm dò sau bỏ phiếu) cho biết, số phiếu “đồng ý” có thể đạt được tới 90%, nhưng sẽ rất khó để đạt được thậm chí 30% số cử tri đi bỏ phiếu.

Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh cuộc trưng cầu dân ý lần này của Tổng thống.

Rosario Gomez - một người bán hàng nằm trong số những người quyết tâm bỏ phiếu cho rằng: "Đã đến lúc những tên trộm này phải trả giá!”.

Montserrat Rosas - một công chức 25 tuổi bỏ phiếu ở Mexico City - nói, mặc dù bản thân cuộc trưng cầu dân ý sẽ không đưa các nhà lãnh đạo cũ ra xét xử, nhưng nó mang lại “hy vọng rằng công lý sẽ được thực hiện”.

Cuộc thăm dò đã được mở vào lúc 8 giờ sáng theo giờ địa phương và kết thúc lúc 6 giờ chiều, ngày 1/8.

Viện Bầu cử Quốc gia (INE) đã thiết lập khoảng 57.000 thùng phiếu, so với hơn 160.000 cho các cuộc bầu cử địa phương và bầu cử Quốc hội giữa kỳ vào tháng 6, đồng thời thực hiện các hoạt động tuyên truyền một cách hạn chế do thiếu nguồn lực.

Điều này đã khiến Tổng thống Lopez Obrador khó chịu. Tuy nhiên, Giám đốc INE Lorenzo Cordova khẳng định, không có chuyện INE không muốn cuộc trưng cầu dân ý.

leftcenterrightdel

Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador. Ảnh: EPA-EFE

Trái ngược với các ý kiến ủng hộ, giới phê bình cho rằng, cuộc tham vấn là không cần thiết, các cựu tổng thống có thể bị xét xử như bất kỳ công dân nào khác.

Cựu Giám đốc INE Luis Carlos Ugalde lập luận rằng, nếu cơ quan công tố có bằng chứng chống lại các cựu tổng thống, thì "mọi người không cần thiết phải nói là có đồng ý hay không".

Mặc dù cuộc bỏ phiếu là "đứa con tinh thần" của Tổng thống Lopez Obrador, nhưng lãnh đạo 67 tuổi này đã ra quyết định ông không được tự bỏ phiếu vì không muốn chủ nghĩa bảo thủ tham nhũng và đạo đức giả cáo buộc ông về sự trả thù.

Quyết tâm chống tham nhũng của Tổng thống

Câu hỏi trưng cầu dân ý do Tổng thống Lopez Obrador đề xuất nêu tên 5 người tiền nhiệm là Carlos Salinas, Ernesto Zedillo, Vicente Fox, Felipe Calderon và Enrique Pena Nieto - những người nắm quyền từ năm 1988 - 2018.

Ông Lopez Obrador cáo buộc họ đã lãnh đạo “tập trung quá mức của cải, thất thoát lớn cho ngân khố, tư nhân hóa tài sản công và tham nhũng tràn lan". Tuy nhiên, những câu từ này gây ra nhiều tranh luận, và cuối cùng, Tòa án Tối cao đã sửa đổi câu hỏi trưng cầu dân ý thành: "Bạn có đồng ý hay không rằng các hành động thích đáng phải được tiến hành, phù hợp với khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, để thực hiện một quá trình làm rõ các quyết định chính trị được thực hiện trong những năm qua của các chủ thể chính trị, nhằm đảm bảo công lý và quyền của các nạn nhân tiềm năng”.

leftcenterrightdel

Cựu Tổng thống Enrique Pena Nieto - 1 trong 5 người được nêu tên trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/8/2021. Ảnh: AFP

Mexico được xếp hạng thứ 124 về chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2020 với số điểm "khiêm tốn" 31 (trên thang điểm 100).

Chính sách chống tham nhũng là một mục tiêu ưu tiên hàng đầu và đạt được thành công nhất định đối với Chính phủ của Tổng thống Lopez Obrador - người luôn coi tham nhũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng và bạo lực.

Ông Lopez Obrador khẳng định cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không có vùng cấm. Nhiều vụ án tham nhũng có sự tiếp tay của các quan chức, cựu quan chức và sỹ quan quân đội cấp cao đã bị phanh phui.

Tuy nhiên, chưa hài lòng với những kết quả đạt được, ông Lopez Obrador đã và đang thúc đẩy việc đưa các cựu Tổng thống bị cáo buộc tham nhũng ra trước pháp luật.

Trước đó, Quốc hội lưỡng viện Mexico đã thông qua dự thảo sửa đổi chương 108 và 111 trong Hiến pháp nhằm xóa bỏ quyền miễn trừ của tổng thống và cho phép đưa ra xét xử người đứng đầu đất nước như mọi công dân khác.

Hoài Phương