Số hoá sẽ giúp giảm tải được rất nhiều khối lượng công việc của cán bộ, chiến sỹ

 + Trước khi triển khai nộp tiền phạt vi phạm giao thông qua mạng trên toàn quốc thì đã thực hiện thí điểm tại 5 tỉnh, TP. Vậy qua 3 tháng triển khai kết quả thực hiện như thế nào thưa ông?

Tính đến 6h sáng nay, lực lượng CSGT toàn quốc đã đăng vào hệ thống chung Cổng Dịch vụ công quốc gia 13.000 trường hợp vi phạm, trong đó 11.000 trường hợp có quyết định xử phạt.

Nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp nhanh nhất cho người dân các thông tin liên quan về biên bản vi phạm, quyết định xử phạt để người dân có thể lựa chọn các hình thức nộp tiền phạt.

Tuy nhiên, tỷ lệ nộp tiền phạt qua Cổng Dịch vụ công quốc gia còn hạn chế, chúng tôi mới chỉ nhận được 97 trường hợp.

+ Tại sao kết quả nộp tiền phạt qua mạng lại thấp như vậy, có khó khăn, vướng mắc gì khi thực hiện?

Vấn đề vướng mắc nhất hiện nay là số điện thoại dù rất quan trọng để cung cấp thông tin cho người dân lại không được quy định (biên bản vi phạm hành chính không có thông tin yêu cầu khai báo về số điện thoại- PV).

Nếu có số điện thoại, chúng tôi sẽ gửi thông tin đã có quyết định xử phạt số bao nhiêu đề nghị ông, bà thực hiện nghĩa vụ đó. Chúng tôi cũng muốn có địa chỉ thư điện tử để gửi thông tin dưới dạng bản pdf. 

“Điều tiếng của cảnh sát giao thông sẽ giảm cơ bản”

Cũng trao đổi với báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, việc nộp tiền phạt qua Cổng Dịch vụ công quốc gia có thể giảm thiểu được tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng “vặt”.

“Điều tiếng của CSGT sẽ giảm cơ bản. Bởi vì không tiếp xúc, không gặp gỡ nữa thì đương nhiên triệt tiêu những tiêu cực mà người ta vẫn gọi là tham nhũng vặt”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và cho hay, khi đã có biên bản, quyết định xử phạt rồi thì người ta nộp tiền lấy giấy tờ luôn thay vì cứ hẹn bao nhiêu ngày mới đến lấy giấy tờ.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, điều rất quan trọng là công việc đều được xử lý trên môi trường điện tử, các thông số, thời gian đều được hiển thị một cách rõ ràng, minh bạch.

“Một người làm, nhưng rất nhiều người được quyền giám sát. Tất cả những việc làm sai trái, không đúng sẽ được người dân, báo chí, cơ quan giám sát phản ánh”, Bộ trưởng nói thêm.

Khó khăn nữa là người dân phải có tài khoản và có trình độ hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin thì mới chủ động được trong việc nộp tiền phạt qua mạng.

Cho nên, cần sự phối hợp, nghiên cứu rất kỹ của các cơ quan, đơn vị liên quan, đặt biệt là Kho bạc Nhà nước và các đơn vị được uỷ quyền của Kho bạc Nhà nước được thanh toán.

+ Khi người dân nộp tiền phạt vi phạm qua mạng, liệu khối lượng công việc của lực lượng CSGT có giảm tải?

Ứng dụng công nghệ thông tin là xu thế tất yếu. Nếu số hoá được việc này sẽ giúp giảm tải rất nhiều khối lượng công việc của cán bộ, chiến sỹ. Bởi theo cách truyền thống, chúng tôi phải lập biên bản giấy, rồi ra quyết định xử phạt.

Bây giờ, khi đã có dữ liệu, chỉ cần nhập vào nội dung biên bản thì ra các dữ liệu liên quan để kết nối với quyết định, rất nhanh chóng.

Hơn nữa, mỗi năm chúng tôi xử phạt gần 5 triệu trường hợp vi phạm, nếu chỉ cần cải cách không phải in 1 quyết định xử phạt thì đã tiết kiệm cho nhà nước 5 triệu tờ giấy và việc theo dõi.

Khi đã “giấy trắng, mực đen” thì yên tâm là không có tiêu cực

+ Nộp tiền phạt vi phạm giao thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia có góp phần phòng chống được tiêu cực, ngăn ngừa tham nhũng “vặt”, mãi lộ không?

Khi hành vi vi phạm đã được lập biên bản và ra quyết định xử phạt thì đã là “giấy trắng, mực đen”. Việc ra quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia chỉ là một bước, khi đã “giấy trắng, mực đen” thì yên tâm là không có chuyện tiêu cực.

Bộ Công an đã chỉ đạo và chúng tôi thực hiện nghiêm là tăng cường hệ thống giám sát. Với hệ thống giám sát trên một số tuyến quốc lộ và tuyến cao tốc thì tất cả hành vi vi phạm sẽ được ghi nhận bằng thiết bị công nghệ.

+ Ông có thể nói cụ thể hơn về việc trang bị hệ thống giám sát trên các tuyến quốc lộ, cao tốc?

Chúng tôi đang thực hiện chỉ đạo lắp đặt. Như hiện nay cao tốc Hà Nội - Lào Cai đang bắt đầu đưa vào vận hành hệ thống giám sát. Tất cả thông tin liên quan, đặc biệt vi phạm về dừng đổ, tốc độ đều được ghi nhận bằng thiết bị công nghệ thay cho con người.

Đối với xe nếu vi phạm đến trạm thu phí sẽ có đèn cảnh báo và có biển số hiện lên “xe ông bà vi phạm về cái gì”.

Chúng tôi cho rằng, dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử và xử phạt điện tử sẽ minh bạch hóa, khách quan toàn bộ quá trình hoạt động. Đây là yêu cầu bắt buộc và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an là lực lượng CSGT phải thực hiện đi đầu trong thực hiện công nghệ số.

Tuy nhiên, hiện nay các trường hợp phạt qua hệ thống giám sát mà chúng tôi gửi đến địa chỉ của người vi phạm để thực hiện quyết định đó chưa nhiều và có thể nói là chưa nghiêm.

Chúng tôi đã đề nghị Bộ Tư pháp xem lại các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó có đề nghị khi đã có quy định xử phạt, vi phạm đã rõ bằng hệ thống công nghệ thì là chứng cứ trực tiếp để xác minh vi phạm.

Tôi cho rằng, ứng dụng công nghệ, cải cách thể chế để làm sao hành vi vi phạm được phát hiện, xử lý nghiêm minh và người vi phạm phải có trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của mình.

+ Xin cảm ơn ông!

Hương Giang