AP đưa tin, Juan Francisco Sandoval, người đứng đầu Văn phòng Công tố viên đặc biệt chống sự miễn trừ, đã bị sa thải hôm 23/7 và bỏ trốn khỏi đất nước cùng đêm hôm đó. Tổng Chưởng lý Consuelo Porras đã buộc tội Sandoval về các cuộc điều tra thiên vị. Trước đó 1 ngày, bà Porras đã tái bổ nhiệm một công tố viên khác từ Văn phòng của Sandoval để thay thế.

Tiếp đó, ngày 25/7, luật sư Marco Aurelio Alveño Hernández xác nhận việc ông đã thông báo tới Văn phòng của Sandoval rằng, một trong những khách hàng của ông là cựu Giám đốc Ngân hàng Trung ương Guatemala, đã nhờ qua ông hối lộ cho một cố vấn của bà Porras để vụ án tham nhũng của người này được chuyển từ Văn phòng của Sandoval sang một công tố viên khác.

Alveño cùng gia đình cũng đã bỏ trốn khỏi đất nước vào ngày 25/7 trong nỗi lo sợ sẽ bị trả thù vì sự hợp tác của ông với Văn phòng của Sandoval.

Elvyn Díaz, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu So sánh về khoa học hình sự của Guatemala cho rằng: “Mục đích của việc sa thải công tố viên dẫn đầu cuộc điều tra là để ngăn chặn những gì đang được điều tra". Ông bày tỏ lo ngại, động thái này cũng làm tăng khả năng hệ thống tư pháp có thể bị thao túng để trừng phạt Sandoval và các thẩm phán đã phán quyết các vụ án mà ông đưa ra.

Bản thân Sandoval đã nói rất nhiều về việc bị sa thải. Ông cáo buộc bà Porras đã ngăn chặn các cuộc điều tra của Văn phòng Công tố viên, bao gồm cả những cuộc điều tra có liên quan tới Tổng thống Alejandro Giammattei.

Trong khi đó, chính quyền Guatemala phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào, nói rằng họ tôn trọng quyền tự quản của Tổng Chưởng lý.

Về vụ việc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 25/7 nói trên Twitter: “Chúng tôi sát cánh với người dân Guatemala và với Công tố viên Juan Francisco Sandoval, người mà tôi ghi nhận xứng đáng với Giải thưởng Nhà vô địch Chống tham nhũng năm nay. Việc ông bị sa thải làm suy yếu nền pháp quyền và củng cố sức mạnh của sự miễn trừ trừng phạt".

leftcenterrightdel
 Một người biểu tình cầm tấm biển có chân dung Tổng thống Guatemala trong cuộc biểu tình ủng hộ công tố viên chống tham nhũng Juan Francisco Sandoval tại thành phố Guatemala, ngày 24/7/2021. Ảnh: AP/ Moises Castillo

Trong năm qua, Chính phủ Guatemala bị chỉ trích vì đã loại bỏ các thẩm phán nổi tiếng là có quan điểm cứng rắn đối với tham nhũng. Những động thái này là sự tiếp nối của nỗ lực kết thúc 12 năm hỗ trợ của Liên hợp quốc trong sứ mệnh chống tham nhũng tại Guatemala vào năm 2019, dưới thời Tổng thống Jimmy Morales. Bà Porras được ông Morales bổ nhiệm làm Tổng Chưởng lý và tiếp tục giữ chức vụ này trong thời gian lãnh đạo của Tổng thống Giammattei.

Iván Velásquez, người đứng đầu Ủy ban Quốc tế chống lại sự miễn trừng phạt ở Guatemala (CICIG - tổ chức được Liên hợp quốc hậu thuẫn) từ năm 2013 - 2019, cho biết "cuộc chiến chống tham nhũng đang trở nên tồi tệ hơn".

Velásquez nói: “Điều này sẽ chỉ đảo ngược nếu cộng đồng quốc tế đình chỉ mọi viện trợ cho Văn phòng Tổng Chưởng lý và cô lập Tổng Chưởng lý, vốn liên minh với tất cả quyền lực chính trị tham nhũng trong nước”. Và, "điều này phụ thuộc vào người dân Guatemala và nỗ lực của họ để bảo vệ nền dân chủ, tìm ra lối thoát."

Vào ngày 26/7, các tổ chức nông thôn đã chặn 3 đường cao tốc để phản đối việc sa thải Sandoval. Nhiều nhóm khác đang xem xét các cách để gây áp lực với Chính phủ. Một số nhà lập pháp đã đệ đơn khiếu nại chính thức chống lại Tổng Chưởng lý Porras, trong đó có cáo buộc bà cản trở công lý.

Đức Anh