Báo cáo tình hình giải quyết phản ánh, kiến nghị và bảo vệ người phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực (giai đoạn từ 01/01/2015 đến 31/12/2019) của UBND tỉnh Bình Định, ngày 31/8/2020, cho biết, các cấp, các ngành của tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 5.704 đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua phân loại, xử lý có 5.229 đơn/vụ phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp (chiếm tỷ lệ 91,67%). Đến nay, thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp của tỉnh đã giải quyết xong 5.201 vụ, đạt tỷ lệ 99,46%.

Theo báo cáo, giai đoạn từ 01/01/2015 đến 31/12/2019, không có trường hợp người phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức bị đe dọa, trả thù, trù dập. Cũng không có trường hợp yêu cầu bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.

Đáng chú ý, trong tổng số 5.704 đơn phản ánh, kiến nghị được các cấp, các ngành thuộc tỉnh tiếp nhận, xử lý giai đoạn từ 01/01/2015 đến 31/12/2019, có 16 đơn/vụ phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức (chiếm tỷ lệ 0,28%). Trong số 16 đơn/vụ phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức, qua xem xét, xử lý, có 06 vụ (chiếm tỷ lệ 37,5%) thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Đến nay, thủ trưởng các ngành, địa phương đã chỉ đạo giải quyết xong 06/6 vụ, đạt tỷ lệ 100%; cụ thể: Phản ánh, kiến nghị đúng 05 vụ, chiếm tỷ lệ 83,33%; phản ánh, kiến nghị sai 01 vụ, chiếm tỷ lệ 16,67%. Qua đó, xử lý hành chính 04/6 vụ (chiếm tỷ lệ 66,67%); cơ quan có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật 03 cá nhân. Về hình sự có 02/6 vụ (chiếm tỷ lệ 33,33%), cơ quan có thẩm quyền đã khởi tố để điều tra làm rõ 03 bị can.

Theo báo cáo, giai đoạn từ 01/01/2015 đến 31/12/2019, không có trường hợp người phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức bị đe dọa, trả thù, trù dập. Cũng không có trường hợp yêu cầu bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.

Vướng mắc trong bảo vệ người phản ánh về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức

Trong kỳ, trên địa bàn tỉnh Bình Định không phát sinh trường hợp yêu cầu bảo vệ người phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức. Đồng thời, pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định riêng về bảo vệ người phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức. Nếu trong trường hợp có phát sinh yêu cầu bảo vệ người phản ánh, kiến nghị thì cơ quan, người có thẩm quyền vận dụng Luật Tố cáo để thực hiện. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ người tố cáo, người phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức, qua đó góp phần đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì việc bảo vệ người tố cáo, người phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức vẫn gặp một số hạn chế, khó khăn nhất định như: Thông tin của người tố cáo, người phản ánh, kiến nghị trong một số trường hợp không bảo đảm yêu cầu bí mật theo quy định, nhất là việc tiếp nhận xử lý, thụ lý giải quyết vụ việc theo trình tự, thủ tục giải quyết đơn tố cáo (cơ quan nhận đơn phải chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định nếu đơn đó không thuộc thẩm quyền hoặc do các quy định về trình tự, thủ tục thụ lý, xác minh, yêu cầu phối hợp giải quyết vụ việc giữa các cơ quan chức năng có liên quan).

UBND tỉnh Bình Định cho rằng, một số quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, người phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực chưa hoàn thiện, thiếu cụ thể; do đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân ngại đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, vì sợ bị trả thù, trù dập. 

Một số quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, người phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực chưa hoàn thiện, thiếu cụ thể; do đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân ngại đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, vì sợ bị trả thù, trù dập.

Đề xuất nâng cao hiệu quả bảo vệ người phản ánh về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức

Qua thực tiễn tiếp nhận, xử lý đơn thư tố cáo, phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức, UBND tỉnh Bình Định đã đưa ra một số đề xuất, cụ thể:

Tăng cường đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ người tố cáo, người phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực, nhất là Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Ban Chấp hành Trung ương về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”, Luật Tố cáo năm 2018, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong đội ngũ cán bộ, công chức, qua đó thực hiện đúng các quy định về tố cáo, phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức, cũng như trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan có chức năng trong tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức theo đúng quy định của pháp luật.

Đề cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu trong việc thực hiện công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực thuộc phạm vi quản lý, phụ trách; sâu sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, uốn nắn lệch lạc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới; chịu trách nhiệm trước cấp trên và bị xử lý trách nhiệm nếu buông lỏng lãnh đạo, quản lý, không làm hết thẩm quyền để xảy ra tình trạng người dân, cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi phụ trách bị trả thù, trù dập khi tố cáo, phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức.

Nhận định tố cáo hoặc phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức thường liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn, do đó, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Thanh tra Chính phủ xem xét, ban hành Thông tư quy định riêng về quy trình tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo, người phản ánh, kiến nghị; trong đó có quy định quy trình, thủ tục, mẫu văn bản về tiếp nhận, xử lý, giải quyết yêu cầu bảo vệ người tố cáo, người phản ánh, kiến nghị theo các biện pháp bảo vệ cụ thể đối với từng vấn đề cần được bảo vệ theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018 và Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo; phối hợp với các bộ, ngành chức năng hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục xử lý đối với người tố cáo, người phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức sai sự thật.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành chức năng nghiên cứu xây dựng các tình huống cụ thể đã xảy ra trong thực tế hoặc dự lường sẽ xảy ra để làm “căn cứ” cho người tố cáo, người phản ánh, kiến nghị và các cá nhân có liên quan yêu cầu bảo vệ; đồng thời, giúp cho cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, giải quyết phản ánh, kiến nghị vận dụng các biện pháp bảo vệ bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.

Mạnh Hùng