Chính quyền không sẵn sàng giải quyết tham nhũng?

Hàng chục nghìn người Guatemala ngày 29/7 đã xuống đường để yêu cầu Tổng thống và Tổng Chưởng lý của đất nước từ chức do chính quyền không sẵn sàng giải quyết tham nhũng.

Đây được nhận định là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất và lan rộng nhất kể từ năm 2015.

Vài trăm người đã tụ tập dọc theo đường cao tốc Liên Mỹ ở San Lucas Sacatepequez, trong một cuộc xuống đường mang tính chất lễ hội, yêu cầu Tổng thống Alejandro Giammattei và Tổng Chưởng lý Maria Porras từ chức. Những người biểu tình chủ yếu là người bản địa, bao gồm các nhóm sinh viên và cư dân.

Angelina Aspuac, một nhà hoạt động của Hội Bình dân và Xã hội, nói với Al Jazeera: "Chúng tôi đã chán ngấy những hành động tham nhũng của Chính phủ này... Các quyết định họ đưa ra không có lợi cho chúng tôi, họ cho phép và tìm kiếm luật pháp để tạo ra sự miễn trừ trừng phạt".

Đặc biệt, người dân bản địa đã kêu gọi phản đối quyết định của Tổng Chưởng lý Porras hôm 23/7 cách chức Juan Francisco Sandoval - người đứng đầu Văn phòng Công tố viên Đặc biệt chống lại sự miễn trừ trừng phạt. Bà Porras cáo buộc Sandoval "lạm dụng quyền lực". Trong khi Sandoval cho rằng, tồn tại tham nhũng cấp cao trong Văn phòng Công tố viên và trong Phủ Tổng thống.

Sandoval đã nhận được sự chú ý của quốc tế, đặc biệt là ở Mỹ, vì ông là người đứng đầu văn phòng chống sự miễn trừ trừng phạt, nơi đã tiếp nhận các cuộc điều tra từ Ủy ban Quốc tế chống lại sự miễn trừng phạt nổi tiếng được Liên hợp quốc hậu thuẫn ở Guatemala, được gọi là CICIG, đã bị lãnh đạo nước này đóng cửa vào năm 2019.

Sau khi bị cách chức, Sandoval buộc phải rời khỏi đất nước vì lo sợ cho sự an toàn của mình.

Trước sự kiện liên quan đến Sandoval, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter ngày 27/7 thông báo, Mỹ đang tạm ngừng một phần hợp tác với Tổng Chưởng lý Guatemala Porras. Mỹ đã "mất niềm tin" vào sự sẵn sàng chống tham nhũng của quốc gia Trung Mỹ này.

Tiếp đó, ngày 28/7, bà Porras đã gửi một lá thư cho Bộ Ngoại giao Mỹ để lên tiếng bảo vệ hành động của mình trong thời gian đảm nhận chức vụ.

Sự tích tụ của nhng bất mãn

Tác động của tham nhũng đặc biệt được cảm nhận rõ ràng ở các vùng nông thôn, nơi các dự án nhà nước vẫn chưa hoàn thành, đường cao tốc trong tình trạng hư hỏng, và nơi nghèo đói đã gia tăng đáng kể trong đại dịch COVID-19.

"Chúng tôi biết họ tham nhũng vì họ vi phạm quyền của chúng tôi", Marcelino Cax, một thành viên của chính quyền Cộng đồng Kaqchikel Bản địa ở Santa Fe Ocaña, San Juan Sacatepequez, nói với Al Jazeera.

leftcenterrightdel

Một người đeo mặt nạ sói ngồi trên hàng rào chắn đường ở San Lucas Sacatepequez trong một ngày biểu tình toàn quốc ở Guatemala. Ảnh: Jeff Abbott / Al Jazeera

Người biểu tình đã chặn các đường cao tốc lớn trên khắp Guatemala. Trong số những cuộc xuống đường lớn nhất được tổ chức ở Totonicapan, hàng nghìn người đã chặn một giao lộ quan trọng trong thời gian suốt một ngày.

Sự bùng nổ của các cuộc biểu tình diễn ra hơn 1 năm sau khi Tổng thống Giammattei lên nắm quyền. Theo Renzo Rosal, một nhà phân tích chính trị độc lập, các cuộc biểu tình là sự tích tụ của áp lực xã hội đã xuất hiện ở Guatemala trong thời kỳ đại dịch.

“Có rất nhiều câu hỏi người dân đặt ra về sự bất lực trong quản lý của Tổng thống đối với vắc xin và đại dịch. Chúng ta đang thấy sự tích tụ của những bất mãn. Và, sự kiện tuần trước (sa thải Sandoval) là điều cuối cùng”, như giọt nước tràn ly, ông Rosal bình luận.

Tham nhũng ngày càng gia tăng

Guatemala đã chứng kiến tình trạng tham nhũng và miễn trừ trừng phạt gia tăng trong gần 2 năm sau khi Tổng thống khi đó là Jimmy Morales chấm dứt CICIG.

Vào tháng 9/2019, nhiệm vụ của CICIG chính thức kết thúc, tất cả các vụ việc được chuyển sang Văn phòng Công tố viên Đặc biệt chống sự miễn trừ trừng phạt.

Sự kết thúc của CICIG đã mở ra cánh cửa cho tham nhũng gia tăng.

Ông Rosal nói: “Với việc đóng cửa CICIG, kịch bản về tham nhũng và miễn trừng phạt đã được củng cố...".

CICIG là tổ chức được quốc tế hoan nghênh vào năm 2015 sau khi điều tra chính quyền của Tổng thống Otto Perez Molina vì tội tham nhũng. Việc tiết lộ tham nhũng trong chính quyền đã dẫn đến nhiều tuần biểu tình lớn trên khắp đất nước, đỉnh điểm của cuộc biểu tình đã khiến Tổng thống Perez Molina, cấp phó của ông và một số quan chức Chính phủ phải từ chức. Ông Perez Molina hiện phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng.

Theo nhận định của các nhà phân tích, các cuộc biểu tình diễn ra hôm 29/7 mới chỉ là sự khởi đầu.

Hoài Phương