Bộ Nội vụ Ma-rốc vừa công bố quyết định đình chỉ một quan chức vì bị cáo buộc chuyển hướng các gói thực phẩm dùng để trợ cấp cho các hộ gia đình nghèo.

Bộ cũng đã mở cuộc điều tra sau khi xuất hiện một bản ghi âm cuộc trò chuyện giữa nghi phạm và người quản lý của một tổ chức từ thiện lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội.

“Đoạn ghi âm gần đây chia sẻ trên mạng xã hội dưới dạng chuỗi các cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa một cá nhân với tư cách là người quản lý một tổ chức từ thiện ở tỉnh Nador. Người này đã đề nghị chuyển hướng khoản viện trợ lương thực vì lợi ích của người đối thoại - được thấy là một quan chức trong tỉnh", thông báo của Bộ Nội vụ Ma-rốc cho biết.

Trong bản ghi âm, cán bộ tỉnh này đã đồng ý nhận khoản lương thực (mục đích ban đầu được dành cho các hộ gia đình nghèo) để sử dụng cá nhân.

Được biết, Bộ Nội vụ đã tiến hành điều tra ngay sau khi bản ghi âm xuất hiện trên mạng và nhanh chóng xác định được vị quan chức nói chuyện trong đoạn ghi âm. Bộ đã đình chỉ chức vụ và cán bộ này sẽ phải trình diện trước Hội đồng kỷ luật.

Mặc dù Chính phủ Ma-rốc có nhiều nỗ lực để giải quyết tham nhũng, nhưng đây vẫn là vấn đề lớn cản trở tiến trình phát triển của đất nước.

Ma-rốc xếp thứ 80/180 quốc gia về tham nhũng khu vực công, theo đánh giá chỉ số cảm nhận tham nhũng 2019 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Đất nước này đã tụt 7 bậc so với năm 2018 (xếp thứ 73, trong đó vị trí số 1 là ít tham nhũng nhất).

Đầu năm nay, người đứng đầu Chính phủ Saad Eddine El Othmani cho biết, Ma-rốc đang đi đúng hướng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Chính phủ đã cam kết mạnh mẽ để chống vấn nạn này.

Thủ tướng El Othmani nhấn mạnh việc Ma-rốc đã thông qua Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng vào năm 2007, và Công ước Arab về chống tham nhũng năm 2010.

Ma-rốc đang thực hiện Chiến lược Chống tham nhũng quốc gia giai đoạn 2016-2025. Chiến lược bao gồm một chương trình quản trị điện tử; các chương trình về đạo đức, minh bạch, quyền tiếp cận thông tin; và một chương trình về hợp đồng khu vực công, kiểm soát và trách nhiệm giải trình.

Tuy nhiên, kết quả của Chiến lược, cho đến thời điểm này, vẫn chưa được đa số người dân Ma-rốc ghi nhận.

Theo một khảo sát thực hiện tháng 12/2019, 74% người dân Ma-rốc cho rằng, Chính phủ đã không hành động đủ để giải quyết tham nhũng và các chính trị gia vẫn đang "tích cực" tham gia vào các hoạt động tham nhũng, hối lộ.

Khoảng 53% số người được hỏi trong khảo sát tin rằng, tham nhũng thể chế đang gia tăng, và hơn 31% thừa nhận đã đưa hối lộ trong 12 tháng qua.

Ngọc Anh