Phát hiện, ngăn chặn hành vi “tham nhũng vặt”

Theo Chánh Thanh tra tỉnh Thái Bình Trần Trung Dũng, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (01/02/2013) đến nay, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã được tỉnh Thái Bình triển khai, thực hiện đồng bộ; kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) và PCTN đã có những chuyển biến tích cực, tạo được niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân.

Có được kết quả đó, hơn 7 năm qua, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức triển khai nghiêm túc các quy định về PCTN. Thực hiện công khai, minh bạch cơ chế, chính sách; trong đó, tập trung vào các nội dung về quản lý tài chính ngân sách, quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, tuyển dụng cán bộ, công chức... Đồng thời, đẩy mạnh việc phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện, hành vi “tham nhũng vặt”; chỉ đạo, tiến hành kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân mắc sai phạm và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, tỉnh cũng đã xây dựng được “hành lang” pháp lý đồng bộ cho công tác PCTN. Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh và các cấp, các ngành đã ban hành 5.857 văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức 6.366 cuộc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với 1.514.603 lượt người tham dự; phát hành 329.651 tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật…

Việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức; công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cũng được các đơn vị trong tỉnh thực hiện dân chủ, công khai, đúng quy định. Năm 2014, tỉnh Thái Bình đã tổ chức kỳ thi viết cho 969 đối tượng thuộc nguồn quy hoạch. Qua đó, đã chọn được 24 vị trí chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong số 49 cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia dự tuyển; các huyện, thành ủy, sở, ban, ngành, đơn vị đã bổ nhiệm và giới thiệu ứng cử được 333 vị trí trưởng, phó phòng và tương đương.

Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác cho 1.675 cán bộ công chức, viên chức. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận; chấp hành các quy định về chế độ, định mức tiêu chuẩn; quy tắc ứng xử của cán bộ công chức được chú trọng tăng cường. Trong hơn 7 năm qua, đã phát hiện, xử lý 15 công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp...

Nghiêm túc xem xét trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng

Thông tin về kết quả phát hiện, xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng, Chánh Thanh tra tỉnh Thái Bình Trần Trung Dũng cho biết, từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện 1.652 cuộc thanh tra; kiểm tra tại 4.656 đơn vị. Qua đó, đã kiến nghị xử lý sai phạm hơn 181 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 612.861m2 đất; kiến nghị xử lý kỷ luật 9 tập thể, 38 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 2 vụ vi phạm. Năm 2018, có 2 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng số tiền 100 triệu đồng.

Tiếp nhận 19.946 đơn thư. Đến nay, đã giải quyết 704/836 đơn thuộc thẩm quyền, đạt 84,2%. Qua giải quyết KN, TC đã kiến nghị xử lý sai phạm hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước gần 386 triệu đồng; giảm trừ giá trị quyết toán 597 triệu đồng; trả lại công dân 42 triệu đồng và 8.506,4m2 đất; thu hồi 3.850kg thóc, xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật 2 tập thể và 36 cá nhân.

Để góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác PCTN, Chánh Thanh tra tỉnh Thái Bình cho rằng, việc đầu tiên là đề cao tính gương mẫu, đi đầu của cán bộ đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu các địa phương, đơn vị. Trong quá trình hoạt động, người đứng đầu phải thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức...

Các cơ quan quản lý Nhà nước phải thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện, uốn nắn những tồn tại, yếu kém; có biện pháp xử lý nghiêm túc, triệt để đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm; nghiêm túc xem xét trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền về PCTN nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Thanh tra Thái Bình cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác nắm tình hình, phát hiện tham nhũng tại một số cơ quan, đơn vị chưa đạt được hiệu quả rõ rệt; nhận thức về trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng còn chưa cao; việc công khai, minh bạch ở một số cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức...

Thời gian qua, các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng đã được tỉnh Thái Bình triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội; góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với chính quyền địa phương.

Trọng Tài