500 nghìn liều vắc-xin AstraZeneca-Oxford, do Ấn Độ sản xuất, đã được chuyển đến Thủ đô Kabul từ ngày 7/2.

Tuy nhiên, theo The New York Times, sự xuất hiện của số vắc-xin này lại được chào đón bằng sự thờ ơ của nhiều người dân Afghanistan - những người đã bỏ qua cảnh báo của Chính phủ, rằng SARS-CoV-2 là một mối đe dọa nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng.

Vắc-xin AstraZeneca-Oxford giá hợp lý và dễ bảo quản đang được cung cấp như một phần của Chương trình Covax - một sáng kiến trên toàn cầu nhằm mua, phân phối miễn phí hoặc giảm giá vắc-xin cho các nước nghèo. Vào ngày 15/2, Tổ chức Y tế Thế giới đã cho phép sử dụng loại vắc-xin này với yêu cầu 2 liều cho mỗi người, mở đường cho Afghanistan bắt đầu chương trình tiêm chủng.

Theo kế hoạch, các bác sĩ, nhân viên an ninh và nhà báo sẽ là những nhóm được ưu tiên tiêm vắc-xin COVID-19.

Vắc-xin được đưa đến khi Afghanistan đang chống lại làn sóng dịch bệnh thứ hai. Tại đây, nhiều người từ chối đeo khẩu trang và vẫn tụ tập thành đám đông bên trong chợ, siêu thị, nhà hàng và nhà thờ Hồi giáo, không để ý đến các áp phích y tế công cộng phổ biến.

Afghanistan được cho là chịu tác động mạnh của dịch bệnh trong năm 2020, nhưng do năng lực xét nghiệm và hệ thống y tế còn yếu kém nên khả năng có những ca bệnh không được phát hiện.

Tính đến 15 giờ ngày 25/2 (giờ Việt Nam), nước này chính thức ghi nhận tổng cộng 55.680 ca bệnh và 2.438 ca tử vong. Tuy nhiên, một nghiên cứu do Bộ Y tế nước này công bố hồi tháng 8/2020 ước tính khoảng 1/3 dân số - tương đương khoảng 10 triệu người - đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Theo The New York Times, chương trình tiêm vắc-xin COVID-19 của Afghanistan hiện phải đối mặt với sự hoài nghi và tham nhũng. Nhất là, khi vấn nạn tham nhũng là một thách thức không nhỏ đối với lãnh đạo quốc gia này.

Xếp hạng Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2020 của Tổ chức Minh bạch quốc tế, cho thấy Afghanistan nằm trong nhóm 15 quốc gia tham nhũng nhiều nhất thế giới, với 19/100 điểm, xếp thứ 165/180 quốc gia. Tình trạng gia tăng các cơ sở sản xuất thuốc phiện và các đường dây buôn bán ma túy trái phép ở đất nước này gắn liền với tham nhũng và tội phạm.

Bên cạnh đó, chương trình tiêm chủng toàn quốc của Afghanistan được triển khai trong bối cảnh các cuộc tấn công bạo lực liên tục xảy ra trong những tuần gần đây tại Thủ đô Kabul và nhiều đô thị khác trên cả nước.

Trong quá khứ, tình trạng xung đột bạo lực xảy ra liên miên đã nhiều lần cản trở các chương trình tiêm chủng tại quốc gia này, như chương trình tiêm chủng bại liệt trước đó.

Ngọc Anh