Đây là ý kiến chỉ đạo của ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai trong nội dung phát biểu kết luận  phiên họp thường kỳ tháng 8/2020 của UBND tỉnh Lào Cai.

Kết luận nêu, giao Cục Quản lý thị trường tỉnh (QLTT) Lào Cai (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lào Cai) chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Cục Hải quan và UBND thành phố Lào Cai cùng các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý địa bàn, để xảy ra vụ việc quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng.

Báo cáo Trưởng ban chỉ đạo 389 tỉnh Lào Cai xem xét hình thức xử lý, thời gian trước ngày 15/8/2020.

Trước đó, ngày 7/7, Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K02), Bộ Công an và Cục QLTT tỉnh Lào Cai tiến hành kiểm tra kho hàng tại số 145 Hoàng Diệu, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai do ông Trần Thành Phú (sinh năm 1992 có hộ khẩu thường trú tại Lào Cai) cùng em gái của mình điều hành kho hàng.

Qua kiểm tra phát hiện kho chứa gần 160.000 sản phẩm với 237 mặt hàng có dấu hiệu vi phạm, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo khai nhận ban đầu của các nhân viên tại kho hàng, ngày nào tối thiểu thì cũng chốt được 100 -150 -200 đơn, đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn sản phẩm hàng giả, hàng lậu được đưa ra thị trường một cách trót lọt trong suốt 2 năm qua với doanh thu ước tính lên tới 650 tỷ đồng.

Nhóm đối tượng sử dụng livestream để bán hàng trên Facebook nên chi phí lớn nhất là chạy quảng cáo trực tuyến mất khoảng 400 triệu đồng một tháng, tiếp sau là cước điện thoại khoảng 122 triệu đồng. Sổ sách tại kho này còn ghi nhận một loại chi phí là "luật lá" 20 triệu đồng một tháng. Trả lời báo chí, đại diện quản lý thị trường cho biết việc này cơ quan chức năng đang xác minh, làm rõ thêm.

Theo Tổng cục QLTT nhận định, những gì xảy ra tại kho hàng ở Lào Cai là một vụ bán hàng giả, lậu liên quan tới thương mại điện tử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Đơn vị này đã tạm giữ, niêm phong toàn bộ kho hàng. Con số chính thức sau 4 ngày đêm kiểm đếm: Tổng kho hàng có 237 chủng loại hàng hóa với tổng số 158.014 đơn vị sản phẩm. Trong đó, gồm 151.326 đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ (hàng lậu) và 6.688 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Trong kho còn có 811 mã đơn hàng đã được đóng gói chờ chuyển phát. Ngoài lực lượng chức năng, Tổng cục QLTT còn phải thuê thêm 70 nhân công bốc xếp, khuân vác, phục vụ kiểm đếm. Toàn bộ số hàng được chất vào trong 34 container mới đủ chỗ để niêm phong.

Nam Dũng