Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm đã ký Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 gửi Quốc hội.

Thế lực thù địch gia tăng chống phá trên nhiều lĩnh vực

Theo báo cáo, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến mới, căng thẳng, phức tạp. Các thế lực thù địch trong và ngoài nước gia tăng các hoạt động chống phá trên nhiều lĩnh vực, nhất là các hoạt động liên quan đến tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp.

Tình trạng lộ, lọt bí mật Nhà nước trên không gian mạng ngày càng nghiêm trọng. Hoạt động nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 tái bùng phát. Tình hình khiếu kiện tuy giảm mạnh về số lượt người tham gia, nhưng vẫn còn rất phức tạp.

Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chủ động nắm bắt và thực hiện các giải pháp giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Đồng thời, ngăn ngừa âm mưu bạo loạn, khủng bố, phá hoại, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước; bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh thông tin, truyền thông, an ninh mạng, an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh các địa bàn chiến lược, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Bộ Công an đã kịp thời khởi tố điều tra, làm rõ các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia; góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước.

Các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ. Tuy nhiên, theo tình hình tội phạm về trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp.

Tội phạm giết người tiếp tục có xu hướng gia tăng (xảy ra 1.133 vụ, tăng 7,09%, 1.547 đối tượng, tăng 8,11%), đặc biệt, số vụ giết người thân tăng mạnh (212 vụ, tăng 171,8%) với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng hơn.

Tội phạm hoạt động “tín dụng đen” truyền thống vẫn hoạt động rải rác, nhỏ lẻ ở một số địa phương và đang chuyển dịch theo phương thức, thủ đoạn cho vay trực tuyến. Còn xuất hiện tình trạng các băng, nhóm tụ tập dùng hung khí để giải quyết mâu thuẫn với nhau gây bức xúc trong nhân dân.

Tình trạng tổ chức xuất, nhập cảnh trái phép, nhất là trên tuyến biên giới Việt – Trung, các nước Châu Âu tiếp tục diễn biến phức tạp…

Triệt phá nhiều đường dây buôn lậu lớn, làm rõ sự tiếp tay của cán bộ

Cũng theo báo cáo, các lực lượng chức năng phát hiện 22.105 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 38,56%). Đáng chú ý, đã khởi tố 290 vụ, 616 bị can phạm tội về tham nhũng; 26 vụ, 178 bị can phạm tội về chức vụ.

Qua công tác điều tra cho thấy, tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm (quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài sản công, đầu tư công, tài chính, ngân hàng, thuế, chứng khoán…).

Các thủ đoạn thường gặp ở loại tội phạm này là: Lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; lợi dụng sơ hở trong quy định và những lỏng lẻo trong quản lý, giám sát để thực hiện hành vi phạm tội; thông đồng, móc nối giữa cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý Nhà nước với người trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

“Nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia, một số hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam”, báo cáo nêu rõ và dẫn chiếu vụ công ty con tại tỉnh Bắc Ninh của Công ty Tanma (Nhật) có dấu hiệu hối lộ một số cán bộ của Việt Nam để trốn thuế.

Bên cạnh đó, tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm diễn ra phức tạp, nhất là trên tuyến biên giới, các cửa khẩu, cảng biển, hàng không.

Các cơ quan đã đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây buôn lậu lớn, làm rõ sự tiếp tay của cán bộ trong cơ quan quản lý Nhà nước. Như đường dây buôn lậu dược liệu liên tỉnh Lạng Sơn - Bắc Ninh - Nam Định - Nghệ An - TP Hồ Chí Minh khởi tố 7 bị can, trong đó có 2 bị can nguyên Phó Chi cục trưởng và cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn…

Cùng với đó, đã phát hiện, bắt giữ trên 258 vụ vi phạm, nổi lên là hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi.

Chính phủ nhận định, việc kịp thời phát hiện vụ án, vụ việc đã góp phần ngăn chặn hành vi lợi dụng dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, ngăn chặn thất thoát tài sản của Nhà nước.

Phát hiện gần 811.000 tin, bài viết, video có nội dung xấu độc

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều đường dây tội phạm cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng Internet (chủ yếu do 30 nhà cái ở nước ngoài móc nối với các đối tượng trong nước); tội phạm người nước ngoài sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam.

Đáng chú ý, Bộ Công an đã điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng lập nhiều trang web, facebook, zalo ảo, lừa đảo hàng tỷ đồng. Cụ thể, qua rà soát, phát hiện gần 811.000 tin, bài viết, video có nội dung xấu độc, sai sự thật, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, chủ yếu trên mạng xã hội.

Bộ Công an đã xác minh, triệu tập đấu tranh, răn đe, nhắc nhở 1.625 đối tượng sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, khởi tố 17 đối tượng, xử phạt hành chính 482 đối tượng. 

Hương Giang