Tại phiên chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nêu câu hỏi liên quan đến việc chống tham nhũng “vặt”.

“Thời gian vừa qua, qua theo dõi tôi được biết Chính phủ đã triển khai rất nhiều giải pháp để chống tham nhũng vặt. Tuy nhiên hiệu quả trên thực tế chưa có nhiều chuyển biến và người dân vẫn rất bức xúc, nhất là những người dân có công việc liên quan đến các cơ quan công quyền”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.

Bà đề nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, nguyên nhân chính của việc chưa cải thiện đáng kể tình trạng trên do đâu? Giải pháp quan trọng có tính đột phá mà Chính phủ sẽ tiến hành trong thời gian tới để chống tham nhũng vặt là gì?

Trả lời chất vấn, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, bên cạnh phòng, chống các đại án, vụ án tham nhũng lớn, chủ trương của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều nhấn mạnh đến việc chống tham nhũng “vặt”.

“Tham nhũng vặt là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận, nhân dân. Nó liên quan đến quan hệ đạo đức công vụ của công chức, viên chức. Tuy tham nhũng vặt nhưng tác hại của nó không vặt nên người ta ví những con đê cao, to, hùng vĩ có thể vỡ bất cứ lúc nào vì tổ mối rất nhỏ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Lãnh đạo Chính phủ chỉ rõ, tác hại của tham nhũng “vặt” là làm băng hoại đạo đức của công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ; làm xói mòn niềm tin, đồng thời làm tăng chi phí không chính thức của người dân và doanh nghiệp.

Vì vậy, thực hiện nghị quyết của Quốc hội và chủ trương của Trung ương, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp. Đầu tiên, là hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về kinh tế, bảo đảm thống nhất, rõ ràng, không chồng chéo. 

“Điều này cản được chuyện tuỳ tiện trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, cơ quan thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng nhũng nhiễu, sách nhiễu từ pháp luật”, ông Vương Đình Huệ lý giải.

Cùng với đó, hoàn thiện quy chế, quy trình trong thực thi trách nhiệm công vụ, đặc biệt là người đứng đầu; đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch; cố gắng ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công cấp độ 4.

Phó Thủ tướng nêu rõ, chúng ta cũng phải có hệ thống kiểm tra giám sát bằng công nghệ thông tin như camera giám sát; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, nhất là ngành có rủi ro cao khi vừa rồi đã xảy ra một số vụ việc phức tạp.

Giải pháp nữa được lãnh đạo Chính phủ đề cập đến là nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân; phát huy vai trò của nhân dân và phương tiện truyền thông. 

Thủ tướng cũng đã ban hành Chỉ thị số 10 ngày 22/4/2019 và đã tổ chức hội nghị toàn quốc về vấn đề này. “Chúng ta chấn chỉnh những vấn đề nhũng nhiễu, sách nhiễu và vòi vĩnh của cán bộ công chức, viên chức. Tôi nghĩ, tới đây sẽ có một số chuyển biến”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu.

Hương Giang