Thay mặt nhóm nghiên cứu của UB Tư pháp, Phó chủ nhiệm UB Nguyễn Văn Pha cho biết có một số tội phạm xảy ra ngay trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm, có sự tiếp tay hoặc tham gia của một số sĩ quan cấp cao trong lực lượng công an.

Ông Pha nêu lại thực trạng, một số cá nhân, DN móc ngoặc với cán bộ có chức vụ, quyền hạn tại một số địa phương để tạo nhóm lợi ích hoặc lợi dụng công tác nghiệp vụ tạo các tổ chức bình phong nhằm tạo ảnh hưởng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Việc này gây thiệt hại rất lớn cho nhà nước, ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý nhà nước tại địa phương, sự lành mạnh trong môi trường kinh doanh.

“Đáng chú ý, có một số vụ việc liên quan đến một số sĩ quan công an, quân đội đã kéo dài nhiều năm nhưng đến nay mới bị phát hiện, xử lý”, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp nhấn mạnh.

Ông cũng lưu ý tình trạng mua bán, chuyển nhượng tài sản công, nhất là đất đai với giá rẻ cho tư nhân không thông qua bán đấu giá, không đúng thẩm quyền xảy ra tại một số địa phương, nhất là một số tỉnh, thành phố lớn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát lớn cho tài sản, đất đai của nhà nước.

Cơ chế nào để không xảy ra những vụ Vũ 'nhôm', Út 'trọc'?
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý, khi đề cập đến một số vụ nổi cộm mà dư luận xã hội quan tâm như vụ đánh bạc tại C50, một số vụ do sỹ quan cao cấp trong công an, quân đội thực hiện có 2 điểm.

Thứ nhất, chắc chắn UB Tư pháp và dư luận cử tri đánh giá rất cao, việc phát hiện và xử lý và Bộ Công an thẳng thắn, đấu tranh rất cương quyết, để đưa những vụ này ra ánh sáng.

Nhưng mặt khác, bà Nga cũng lưu ý việc mà trước đây UB đã có đánh giá và Tổng bí thư có nhấn mạnh là "có tham nhũng ngay trong cơ quan có chức năng chống tham nhũng và tội phạm cũng xảy ra ngay trong một số bộ phận của cơ quan phòng, chống tội phạm". 

“Cần nhìn nhận cả 2 mặt vì việc này tác động đến lòng tin của người dân và kỷ cương, kỷ luật trong đấu tranh phòng chống tội phạm”, bà nói.

Cơ chế nào kiểm soát các công ty bình phong?

ĐB Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên UB Tư pháp đề nghị Chính phủ tích cực hơn nữa trong việc ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với những nước châu Âu và Mỹ để để phòng ngừa.

Nói về hiện tượng đi sau tội phạm, ĐB Trương Trọng Nghĩa dẫn chứng có những vụ án như ngân hàng kéo dài 5-7, thậm chí 10 năm, dự án có vấn đề đắp chiếu, trùm mền, tham nhũng, tiêu cực, những vụ như Vũ "nhôm", Út "trọc" dư luận đồn đại nhiều.“Khi chúng ta đốt lò lên thì các ông này nóng quá sẽ nhảy sang những nơi đó. Có những nơi, thậm chí họ đã chuẩn bị tiền bạc, nhà cửa, tài sản, con cái, hồ sơ pháp lý tị nạn... từ 5-10 năm trước”, ông cảnh báo nếu không, chúng ta sẽ chứng kiến tội phạm thoát ra ngoài, cứ nhởn nhơ và gây bất công rất lớn.

Theo ông, cơ quan chức năng quản lý nhà nước không phải là đợi đến lúc giết người rồi đi xử lý mà là phòng chống không để xảy ra, xảy ra nhiều thì giảm thiểu để xảy ra ít, quy mô nhỏ.

Đề cập đến việc kiểm soát tội phạm, ĐB TP.HCM nhắc đến vụ Vũ "nhôm" hay Út "trọc”.

Theo ông Nghĩa, đấy là những điểm nhân dân không hiểu được nó là cái gì. Nếu chúng ta chưa có cơ chế thì phải suy nghĩ có cơ chế để quản lý.

"Ở Đức, các hoạt động tình báo, đặc tình do QH giám sát nhưng có một ủy ban đặc biệt giám sát chứ không đại trà và hàng năm phải có báo cáo hạn chế quyền con người, quyền công dân nhưng QH có giám sát"- ông Nghĩa nói.

                                                                                                                                                       (Theo Thu Hằng/VNN)