Tham gia, triệt tiêu các điều kiện dung dưỡng cho tham nhũng phát sinh

Báo cáo cho biết, Ủy ban Độc lập chống tham nhũng Hồng Kông (ICAC) được thành lập vào tháng 2/1974. Với địa vị pháp lý độc lập trong đấu tranh chống tham nhũng, không một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào có quyền can thiệp vào hoạt động của ICAC.

Chiến lược PCTN của ICAC được đánh giá là toàn diện, bài bản, bao gồm: Điều tra hành vi tham nhũng; phòng ngừa tham nhũng và tuyên truyền, giáo dục về PCTN. Bên cạnh nhiệm vụ điều tra, ICAC cũng tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng và giáo dục cộng đồng để duy trì văn hóa liêm chính trong xã hội nhằm loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng.

Từ khi thành lập đến nay, ICAC thực hiện chiến lược 3 mũi nhọn: Điều tra tham nhũng; phòng ngừa tham nhũng; giáo dục về PCTN cho cộng đồng.

Trong giai đoạn đầu, trọng tâm của ICAC là đấu tranh, trấn áp, xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng trong lĩnh vực thực thi pháp luật thuộc nhiệm vụ của cơ quan cảnh sát, các cơ quan cấp phép hoặc cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp; bài trừ hành vi tham nhũng có tổ chức. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát lại các quy định, quy trình thủ tục, cải tiến cách làm việc để bịt các lỗ hổng về quản lý, giảm thiểu tối đa các kẽ hở, nguy cơ tham nhũng. Bổ sung các quy định về đạo đức công vụ, đạo đức liêm chính đối với người thực thi công vụ; giáo dục đạo đức liêm chính cho người thực thi công vụ; thực hiện các biện pháp phối hợp giám sát việc chấp hành quy định về đạo đức liêm chính với người thực thi công vụ...

Giai đoạn mũi nhọn 2, ICAC triển khai thực hiện công tác phòng ngừa các hành vi tham nhũng phát sinh, nhất là việc phát hiện và triệt tiêu các điều kiện dung dưỡng cho tham nhũng phát sinh, phát triển. ICAC đã tập trung vào việc tham gia giám sát phòng ngừa sớm, bằng cách cử nhân viên tham gia nghiên cứu, tư vấn phòng ngừa tham nhũng trong nội bộ cơ quan công quyền khi thực thi nhiệm vụ, như: Phát hiện kẽ hở, khoảng trống pháp lý trong các quy định thực thi công vụ; tham gia giám sát, tư vấn khuyến cáo các quy chế, quy định trong đấu thầu, hồ sơ mời thầu... cung ứng dịch vụ công, thực hiện dự án đầu tư, mua sắm; quy định cấp phép... nhằm bịt kẽ hở trong các quy định tạo điều kiện cho tham nhũng nảy sinh; phối hợp với các cơ quan quản lý, cung ứng dịch vụ công để thiết lập cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc thực thi đạo đức liêm chính trong cơ quan nhà nước.

Ở giai mũi nhọn thứ 3, ICAC giáo dục và thiết lập nền tảng đạo đức xã hội liêm chính. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, kỳ vọng hướng tới một xã hội lành mạnh, liêm chính, nhân văn và là cơ sở bền vững bài trừ tệ tham nhũng. Để đạt được điều đó đòi hỏi có sự tham gia của cả xã hội với sự phấn đấu kiên trì, liên tục để tác động tới nhận thức xã hội, từ đó để mỗi người đều nhận thức được rằng tham nhũng là một tội ác.

Trong tôn chỉ hoạt động của mình, ICAC đã dành hẳn một trụ cột cho việc tăng cường giáo dục cộng đồng. ICAC tiếp cận vấn đề này theo hướng mọi ngành, lĩnh vực, mọi đối tượng trong xã hội đều phải được giáo dục về vấn đề đạo đức. Đối với vấn đề giáo dục cho thế hệ trẻ, nền giáo dục của Hồng Kông đã rất chú trọng việc truyền dạy các giá trị tích cực, tạo cho thế hệ trẻ kĩ năng cùng tham gia thiết lập và thực thi các chuẩn mực đạo đức, các chương trình học được thiết kế gắn liền với nội dung về PCTN.
Theo chia sẻ, các giá trị tích cực mà Hồng Kông truyền dạy cho thế hệ trẻ bao gồm các giá trị như sự công bằng, liêm chính, tuân thủ các quy tắc, luật pháp, quan tâm đến cộng đồng, nhận thức nghĩa vụ công dân, tôn trọng tài sản cá nhân và tài sản công. Hồng Kông từng bước truyền dạy các giá trị này vào các bậc học, từ mầm non cho tới trung học phổ thông và cao hơn để tăng cường tính trung thực, tự giác, ứng xử bình đẳng và có trách nhiệm của thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, Hồng Kông cũng tổ chức nhiều hội thảo về vấn đề đạo đức cá nhân và các buổi thảo luận về phòng ngừa tham nhũng dành cho các đối tượng học sinh, sinh viên.

Yêu cầu báo giá trong mua sắm công

Để góp phần giảm thiểu các nguy cơ tham nhũng trong ngành xây dựng, ICAC Hồng Kông thực hiện chiến lược như: Chủ động đưa ra khuyến nghị với các cơ quan, ban, ngành khu vực công trong quá trình giám sát, kiểm soát các khâu hoạch định dự án, mời thầu, quản lý quá trình đấu thầu; cung cấp tư vấn đối với các quy trình thủ tục, hồ sơ mời thầu, các thỏa thuận dự án; giám sát và tư vấn trong mở thầu và chấm thầu; tổ chức các hội thảo dành cho các cán bộ dự án, các chuyên gia tư vấn và các nhà thầu.

Đối với khu vực tư, ICAC tư vấn cho các công ty tư nhân nếu được yêu cầu về các vấn đề như quy tắc ứng xử, các quy trình thủ tục và các tài liệu hướng dẫn, đào tạo quản trị liêm chính thông qua nền tảng dịch vụ trực tuyến của ICAC có tên là CPAS.

Chuyên gia của ICAC cũng chia sẻ, trong quá trình mời thầu cần công khai, cạnh tranh; đưa điều khoản quy định về chống thông thầu vào trong các hồ sơ mời thầu; tiến hành hoạt động kiểm toán độc lập.

Ngoài ra, ở khâu mở thầu và chấm thầu cần bảo đảm bảo mật các thông tin nhà thầu; thành lập các nhóm mở thầu/chấm thầu; đưa ra các tiêu chí chấm thầu đạt chuẩn (ví dụ chọn nhà thầu có giá thấp nhất).

Trường hợp đấu thầu công khai mở rộng, Hồng Kông quy định rõ trong thông tư của Cục Hậu cần chính quyền về việc Ban Đấu thầu do cục này thành lập sẽ chịu trách nhiệm thẩm định và phê duyệt đối với các gói thầu có giá trị từ 641.000 USD đến 3.846.000 USD. Với trường hợp các gói thầu có giá trị trên 3.846.000 USD, thì cơ quan tiến hành thẩm định và phê duyệt là Ban Đấu thầu Trung ương.

Đối với các nguy cơ tham nhũng trong kiểm nghiệm vật tư, các chuyên gia ICAC đưa ra một số  biện pháp như: Hướng dẫn giám sát việc chuẩn bị và lựa chọn mẫu mang đi kiểm nghiệm; thắt chặt an ninh trong vận chuyển, lưu trữ và xử lý các mẫu vật tư dùng cho kiểm nghiệm; báo cáo kiểm nghiệm phải được gửi trực tiếp tới chuyên gia tư vấn hoặc người sở hữu báo cáo này; tổ chức các cuộc kiểm nghiệm song song độc lập.

Đối với việc phòng ngừa tham nhũng trong mua sắm công, ICAC cho biết, có 57% trong tổng số các vụ án hối lộ liên quan đến nước ngoài là các hối lộ trong mua sắm. Tham nhũng trong mua sắm công đã tạo ra những tác động như: Làm gia tăng chi phí và thổi phồng giá trị của hợp đồng; làm mất giá trị của hàng hóa và dịch vụ; làm giảm lòng tin của người dân vào chính quyền; giảm tính cạnh tranh; cản trở tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Chính vì vậy, mục tiêu của ngăn ngừa tham nhũng trong mua sắm công là nhằm bảo toàn ngân sách công và bảo đảm việc sử dụng một cách đúng đắn tiền thuế mà người dân và doanh nghiệp đã nộp cho nhà nước.

ICAC cho biết, ở Đặc khu hành chính Hồng Kông, những hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị bằng hoặc dưới 641 USD sẽ áp dụng biện pháp mua sắm trực tiếp và chỉ yêu cầu có 1 báo giá. Đối với hàng hóa, dịch vụ có giá trị từ trên 641 USD cho đến dưới hoặc bằng 6.410 USD thì quy trình mua sắm đòi hỏi trên 1 báo giá.

Đối với hàng hóa và dịch vụ có giá trị từ trên 6.410 USD cho đến dưới hoặc bằng 179.500 USD thì yêu cầu phải mua sắm bằng hình thức cạnh tranh với ít nhất 5 báo giá. Đối với trường hợp hàng hóa và dịch vụ có tổng giá trị trên 179.500 USD thì áp dụng hình thức đấu thầu công khai mở rộng.

Thái Hải