Theo ThS. Nguyễn Tuấn Anh, trách nhiệm hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng của các cơ quan Nhà nước được Luật Phòng, chống tham nhũng phân định rõ. Theo đó, Thanh tra Chính phủ là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và cơ quan khác thực hiện hợp tác quốc tế về nghiên cứu, đào tạo, xây dựng chính sách, hỗ trợ tài chính, trợ giúp kỹ thuật, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong phòng, chống tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ đã chủ trì và phối hợp hiệu quả với các cơ quan hữu quan trong tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về phòng, chống tham nhũng.

Vấn đề hợp tác quốc tế đã chính thức được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (Điều 89 và Điều 90) và tiếp tục được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (Điều 89, Điều 90, Điều 91).

Tuy nhiên, hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Thanh tra Chính phủ là cơ quan được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng nhưng chưa có được thông tin toàn diện, kịp thời về hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng của cả nước. Trong suốt thời gian dài chưa có nghiên cứu tổng kết thực tiễn một cách toàn diện về hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.

Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu là làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, đưa ra quan điểm, giải pháp, kiến nghị nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, đề tài dự kiến triển khai 3 nội dung: Cơ sở lý luận về hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng; Thực trạng hợp tác quốc tế của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng; Quan điểm, giải pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc tế của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

“Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ cung cấp cơ sở khoa học phục vụ trực tiếp cho việc xác định vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; là tài liệu tham khảo, phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng về hợp tác quốc tế nói chung và hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng nói riêng”, ông Tuấn Anh nói.

Tại cuộc họp, TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ, cho rằng, thuyết minh đề tài cơ bản đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn về mặt nội dung, Ban Chủ nhiệm nên bổ sung thực tế để luận giải sự cần thiết hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; xác định rõ các cơ quan và lĩnh vực hợp tác quốc tế phòng, chống tham nhũng; đưa nội dung hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng lên trên vấn đề chủ thể; bổ sung nhu cầu hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng trước khi đánh giá thực trạng hoạt động hợp tác quốc tế.

ThS. Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, tên đề tài là hợp tác quốc tế của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng là quá rộng, nên đổi tên đề tài hoặc khoanh lại phạm vi nghiên cứu về mặt thời gian; thực trạng hợp tác quốc tế chỉ nên khoanh lại hoạt động của các cơ quan chức năng; triển vọng áp dụng kết quả nghiên cứu cần bổ sung nội dung phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành.

TS. Nguyễn Thị Thu Nga, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, thuyết minh được Ban Chủ nhiệm đề tài chuẩn bị chu đáo, nội dung nghiên cứu là vấn đề cần thiết. Tuy nhiên, Ban Chủ nhiệm nên bổ sung thêm thành viên nghiên cứu từ các bộ, ngành khác; tính cấp thiết của đề tài cần làm nổi bật những hạn chế lớn trong vấn đề hợp tác quốc tế; mục tiêu nghiên cứu chung cần thống nhất với mục tiêu nghiên cứu cụ thể. Về nội dung nghiên cứu, đề tài cần bổ sung các yêu cầu đặt ra đối với việc hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng; thực trạng hợp tác quốc tế của Việt Nam nên triển khai theo các nội dung hợp tác.

Kết luận tại cuộc họp, TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Chủ tịch Hội đồng Phê duyệt cho rằng, nội dung tính cấp thiết bổ sung những hạn chế, mục tiêu đạt được về chính trị, ngoại giao; tại phần nội dung 1, cần phân định giữa vấn đề lý luận và vấn đề pháp lý, xác định rõ vấn đề chủ thể, thầm quyền và nội dung; thực trạng hợp tác quốc tế cần khoanh lại trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến nay.

Kết thúc buổi họp, trên cơ sở dự kiến các nội dung nghiên cứu và sự thống nhất với Chủ nhiệm Đề tài, Hội đồng Phê duyệt nhất trí phê duyệt thuyết minh đề tài để triển khai nghiên cứu.

Thái Hải