Thu hồi tài sản tham nhũng sau khi có bản án là cơ chế thu hồi chủ yếu ở Việt Nam

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh: Thu hồi tài sản tham nhũng hiện vẫn là một thách thức lớn trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã xác định thu hồi tài sản tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác PCTN. Thời gian qua, công tác thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam đã từng bước được cải thiện, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có xu hướng tăng dần, năm sau cao hơn năm trước, góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh PCTN của Việt Nam.

Mặc dù vậy, trên thực tế, công tác thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, số tài sản thu hồi được còn thấp hơn so với tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.

Do đó trong thời gian tới, Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản. Tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là với những quốc gia có nền quản trị tiên tiến, trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách và biện pháp thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, từ đó từng bước hoàn thiện cơ chế, pháp luật và tìm kiếm giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Bộ Tư pháp - TS. Trần Văn Dũng cho biết, ở Việt Nam hiện nay có 2 cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng: Tịch thu tài sản theo quyết định hành chính của người có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra khi có đủ căn cứ kết luận tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật gây ra theo quy định của pháp luật thanh tra. Trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm thuộc cán bộ thanh tra; đối tượng thanh tra có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, giải trình.

Thứ 2 là tịch thu tài sản liên quan đến tội phạm tham nhũng theo bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án bao gồm: Tịch thu toàn bộ hoặc một phần tài sản của người phạm tội với tính chất là hình phạt bổ sung; tịch thu tiền, tài sản trực tiếp liên quan đến tội phạm với tính chất là biện pháp tư pháp.

“Thu hồi tài sản tham nhũng sau khi có bản án, quyết định hình sự của toà án có hiệu lực pháp luật là cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng chủ yếu ở Việt Nam hiện nay; phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng hình sự về trách nhiệm chứng minh tội phạm và yêu cầu về đảm bảo quyền con người mà Hiến pháp năm 2013 quy định “người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật” ông Dũng nói.

Cần cho phép phong tỏa và thu hồi tiền, tài sản thay thế có giá trị tương đương

Ông Dũng cho biết, trong những năm gần đây, công tác PCTN luôn được Nhà nước quan tâm, chỉ đạo nên công tác thu hồi tài sản đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để đánh giá một cách tổng thể và toàn diện thì hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng chưa xử lý.

Do đó, trong thời gian tới cần hoàn thiện cơ chế và tổ chức thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; nghiên cứu, hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để tăng hiệu quả chế tài xử lý tham nhũng; nghiên cứu, xây dựng cơ chế tịch thu, thu hồi tài sản thông qua việc khởi kiện dân sự:

Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng cơ chế thu hồi tiền, tài sản tham nhũng không dựa trên kết án về hình sự: Cụ thể liên quan đến các vấn đề như giảm nghĩa vụ chứng minh trong thu hồi tiền, tài sản đối với những tội phạm về tham nhũng; chuyển nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tiền, tài sản cho người bị tình nghi tham nhũng, cho phép tịch thu tiền, tài sản không dựa trên bản án, quyết định hình sự hoặc bản án, quyết định của tòa án nước ngoài; cho phép phong tỏa và thu hồi tiền, tài sản thay thế có giá trị tương đương với số tiền, tài sản đã bị thất thoát.

Cùng với việc hoàn thiện pháp luật trong nước cần tăng cường việc ký kết, tham gia các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương về thu hồi tài sản tham nhũng, nhất là cơ chế tương trợ tư pháp về hình sự giữa các quốc gia trong việc phong tỏa, thu hồi tài sản của người phạm tội đã tẩu tán ở nước ngoài.

Tại hội thảo, ông Thibaut Allali, đại diện AGRASC cho biết, AGRASC là một cơ quan hành chính công dưới sự quản lý của Bộ Tư pháp và Bộ Ngân sách Pháp, được thành lập theo quy định của Luật số 2010-768 ngày 9/7/2010 nhằm tạo điều kiện cho việc tịch thu tài sản có liên quan đến các vấn đề hình sự. Cơ quan bắt đầu hoạt động vào ngày 4/2/2011.

Cơ quan AGRASC chịu trách nhiệm thay mặt công tố viên thi hành bản án tịch thu tài sản, nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý tài sản bị tịch thu (xe cộ, nhà cửa, tài sản kinh doanh, tàu thuyền...). Vì vậy, AGRASC được xây dựng nhằm hỗ trợ pháp lý và thực tiễn cho các tòa án như một bộ phận cung cấp dịch vụ.

Ngoài vai trò chung là hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn các thẩm phán và điều tra viên trong các vấn đề bắt giữ và tịch thu, nhiệm vụ của cơ quan này là cải thiện việc xử lý tư pháp đối với các trường hợp tịch thu tài sản trong các vấn đề hình sự và đặc biệt là đảm bảo quản lý tập trung tất cả các khoản tiền bị thu giữ trong tố tụng hình sự ở Pháp; thực hiện mọi giao dịch bán các động sản bị thu giữ trước khi có phán quyết (Điều 41-5 và 99-2 Bộ luật Tố tụng hình sự), do thẩm phán quyết định khi các động sản này không còn hữu ích trong điều tra và có thể dễ bị mất giá;

Mặt khác, cơ quan này thực hiện tất cả các thông báo với các dịch vụ đăng ký đất đai để tịch thu bất động sản (Điều 706-151 và 707-1 Bộ luật Tố tụng hình sự) và với các tòa án thương mại để thu giữ các quỹ kinh doanh; quản lý trên cơ sở lệnh của tòa án, tất cả các tài sản phức tạp được giao và nếu cần, bảo quản hoặc nâng cao giá trị các tài sản đó; quản lý tài sản bị tịch thu, bán và phân phối thành phẩm thu được khi thực hiện bất kỳ yêu cầu tương trợ hoặc hợp tác quốc tế nào từ cơ quan tư pháp nước ngoài.

“Nếu thích hợp, đảm bảo thông tin của các chủ nợ công trước khi thực hiện bất kỳ quyết định bồi thường nào của tòa án và mức bồi thường ưu tiên của các bên dân sự đối với tài sản tịch thu từ người bị kết án, để đảm bảo việc thanh toán các khoản nợ, đặc biệt là thuế, hải quan, an sinh xã hội hoặc bồi thường; thực hiện các thông báo hoặc đào tạo nhằm mục đích công khai các hoạt động của cơ quan và giới thiệu các thông lệ trong các vấn đề bắt giữ và tịch thu với các đối tác trong nước và quốc tế” - ông Thibaut Allali chia sẻ.

Ông Thibaut Allali cũng cho biêt, các tài sản bị tịch thu sẽ được chuyển đến ngân sách Nhà nước; Quỹ liên Bộ phòng chống ma tuý (MILDECA); các hiệp hội phòng, chống mua và buôn bán người; những nạn nhân dân sự đáp ứng các điều kiện được bồi thường trên cơ sở tài sản bị tịch thu; cảnh sát quốc gia để tài trợ cho việc bảo vệ những người hối cải và cộng tác viên tư pháp; tòa án và các dịch vụ điều tra chống tội phạm có tổ chức và phạm pháp.

Kết thúc hội thảo, ông Tuấn Anh hy vọng, những kiến thức và bài học thực tiễn được chia sẻ hôm nay sẽ cung cấp những kinh nghiệm bổ ích, giúp cho các đại biểu tham dự có thêm thông tin để triển khai thực hiện tốt hơn các quy định của Luật PCTN năm 2018 của Việt Nam, nhất là chế định về thu hồi tài sản tham nhũng.

“Tôi tin tưởng rằng hội thảo sẽ là một hành động thiết thực kỷ niệm Ngày Quốc tế PCTN 9/12” - ông Tuấn Anh nói.

Thái Hải