Ennahdha là đảng chiếm ưu thế trong Quốc hội đã bị Tổng thống Kais Saied đình chỉ các hoạt động trong tuần này. Nhà lãnh đạo Tunisia cũng sa thải Thủ tướng và các thành viên chủ chốt trong Nội các vì cho rằng, cần phải ổn định một quốc gia đang lâm vào khủng hoảng kinh tế và sức khỏe.

Nhưng Ennahdha - đảng thành công nhất kể từ năm 2011, là thành viên của các Chính phủ liên minh kế tiếp - đã cáo buộc Tổng thống vượt quá quyền lực của mình, đe dọa nền dân chủ non trẻ của đất nước.

Sau quyết định ngày 25/7 của Tổng thống Kais Saied, lãnh đạo Đảng Ennahda, Rached Ghannouchi, đồng thời là Chủ tịch Quốc hội, đã ngay lập tức gọi đây là “một cuộc đảo chính chống lại cuộc cách mạng và Hiến pháp, làm tăng khả năng đối đầu giữa những người ủng hộ Đảng Ennahda và Tổng thống Saied”.

Ngày 28/7, Người phát ngôn của Văn phòng Công tố Tài chính, Mohsen Daly, xác nhận trên Đài Phát thanh Mosaique FM rằng, các cuộc điều tra đã được mở vào giữa tháng 7.

Ngoài ra, các cuộc điều tra khác cũng được mở vào đầu tháng này đối với chính Cơ quan Chống tham nhũng quốc gia Tunisia (bị nghi ngờ tham nhũng), và Ủy ban Sự thật và Nhân phẩm của Tunisia (vốn được thành lập để đối phó với những hành vi lạm dụng trong nhiều thập kỷ cai trị chuyên quyền của Tunisia).

Sự yên ổn đang dần chiếm ưu thế ở Thủ đô Tunis, 4 ngày sau khi các cuộc biểu tình trên toàn quốc kết thúc với quyết định của Tổng thống là tập trung quyền lực vào tay mình “cho đến khi ổn định xã hội trở lại Tunisia và cho đến khi chúng ta cứu được nhà nước”.

Ngày 27/7, lãnh đạo của Đảng Ennahdha cho rằng, đảng của ông là một mục tiêu hoàn hảo để đổ lỗi cho sự sa sút của Tunisia về kinh tế, sức khỏe và các vấn đề khác.

Ông Rachid Ghannouchi nói với hãng tin AP, Đảng Ennahdha đang nỗ lực thành lập “mặt trận quốc gia” để chống lại quyết định đình chỉ cơ quan lập pháp của Tổng thống Saied, nhằm gây áp lực với Tổng thống “yêu cầu trở lại hệ thống dân chủ”.

Bên cạnh đó, ông Ghannouchi cũng thừa nhận, Đảng Ennahdha, vốn bị cáo buộc tập trung vào các mối quan tâm nội bộ thay vì quản lý cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19, "cũng như các đảng khác, cần phải xem xét lại chính mình".

Tunisia, nơi khơi dậy cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập cách đây một thập kỷ khi các cuộc biểu tình dẫn đến việc lật đổ nhà lãnh đạo chuyên quyền lâu năm của họ, thường được coi là câu chuyện thành công duy nhất của những cuộc nổi dậy. Thế nhưng, thành công tại đây lại không mang đến sự thịnh vượng.

Ở Tunis, có nhiều phản ứng trái chiều trước các quyết định của Tổng thống Saied, một số hy vọng chúng mang lại sự ổn định, trong khi những người khác lo lắng rằng ông đã nắm giữ quá nhiều quyền lực.

Omar Oudherni, một chuyên gia an ninh cho biết, các động thái của Tổng thống, diễn ra sau 1 ngày biểu tình trên toàn quốc, đã "chấm dứt sự bùng nổ của cơn giận dữ... Quyết định này làm dịu tình hình, bảo vệ nhà nước, công dân, và thậm chí các đảng chính trị cầm quyền, khỏi cơn thịnh nộ của người dân”.

Tổng thống Saied, một nhà lãnh đạo không có đảng phái đứng sau, đã tuyên bố sẽ "đại tu" một hệ thống chính trị phức tạp đang bị ảnh hưởng bởi tham nhũng. Trong khi đó, cuộc bầu cử Quốc hội đã đưa ra một cơ quan lập pháp bị chia rẽ, trong đó không đảng nào nắm giữ nhiều hơn 1/4 số ghế.

Hiện, tỷ lệ nhiễm bệnh và số ca tử vong tăng cao của Tunisia đã làm trầm trọng thêm sự tức giận của người dân đối với Chính phủ trong bối cảnh các đảng chính trị của đất nước không có được "tiếng nói chung".

Hoài Phương