Báo cáo do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa ký ngày 15/9/2021, nêu rõ: Năm 2020, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực cả về nhận thức và hành động. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức (các đơn vị) quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ; phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến tham nhũng, nhất là qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, truy tố, xét xử, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN.

Theo nhận xét của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, luật, nghị định và các văn bản có liên quan đến công tác PCTN đã được ban hành đồng bộ rõ ràng hơn làm cơ sở để địa phương tổ chức thực hiện nghiêm theo quy định.
Đồng thời, công tác PCTN luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt cùng với nhiều biện pháp đồng bộ, tập trung trên các lĩnh vực nhạy cảm, nhất là lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, mua sắm công, thị trường bất động sản, ngân hàng… nên đã mang lại hiệu quả chuyển biến tích cực so với cùng kỳ trước.

Hiệu lực pháp luật trong lĩnh vực PCTN được nâng lên, hầu hết cán bộ, công chức và nhân dân đồng tình thực hiện góp phần tích cực trong đấu tranh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN của tỉnh trong tình hình mới.

Thủ trưởng các đơn vị đã chủ động hơn trong công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng; theo đó các cơ quan tư pháp đã tích cực điều tra, truy tố và xét xử nghiêm, đúng quy định, tạo được lòng tin đối với thân dân trong công tác PCTN, qua đó ý thức đấu tranh chống tham nhũng của thân dân ngày được nâng cao.

Việc phối hợp tốt trong công tác về PCTN giữa các ngành, các cấp, nhất là các cơ quan Nội chính được giao nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ và kịp thời, tham mưu có hiệu quả các vụ việc tham nhũng do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số ít thủ trưởng đơn vị chưa thật sự quan tâm thường xuyên về công tác PCTN. Nguyên nhân: Công chức ở một số đơn vị được phân công theo dõi, tổng hợp công tác PCTN có sự thay đổi, chưa ổn định, công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ có lúc còn bị động, thiếu đồng bộ.

Công tác phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước

Ngày 21/01/2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực hiện công tác phòng ngừa tham nhũng.

49/49 doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực hiện tốt việc xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm tra nội bộ.

49/49 doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực hiện tốt việc công khai, minh bạch.

49/49 doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực hiện tốt việc kiểm soát xung đột lợi ích.

49/49 doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực hiện tốt việc chế độ trách nhiệm của người đứng đầu.

Trong kỳ, qua công tác thanh tra đã xảy ra 04 vụ có dấu hiệu liên quan đến hành vi tham nhũng, tăng 01 vụ so với năm 2019.

Cụ thể, đối với phát hiện hành vi tham nhũng qua kiểm tra, thanh tra, giám sát, trong kỳ, đã tổ chức 19 cuộc kiểm tra, 18 cuộc giám sát, qua công tác kiểm tra, giám sát chưa phát hiện hành vi tham nhũng. Toàn tỉnh tổ chức 314 đoàn thanh tra, trong đó: 04 đoàn thanh tra đã phát hiện có dấu hiệu liên quan đến hành vi tham nhũng, đã chuyển cơ quan điều tra theo quy định.

Qua kiểm tra, rà soát không phát sinh phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng.

Về phát hiện hành vi tham nhũng qua điều tra, truy tố, xét xử, qua công tác điều tra, truy tố, xét xử phát hiện 05 vụ có liên quan đến hành vi tham nhũng, cụ thể: Vụ ông Nguyễn Văn Mười Ba - nhân viên bán hàng của Công ty TNHH Một thành viên Nguyên Khang, huyện Lấp Vò; vụ ông Bùi Đức Minh - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tân Hồng; vụ ông Lê Minh Tuấn - Hiệu trưởng và ông Nguyễn Phước Khánh - Phó phòng Đào tạo, Trường Trung cấp Nghề - Giáo dục thường xuyên Tháp Mười; vụ bà Lý Thị Thúy - kế toán của Phòng Nội vụ huyện Tân Hồng; vụ ông Phan Duy Tân - cán bộ Địa chính xã Tân Long, huyện Thanh Bình.

Kết quả xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính đối với tổ chức do để xảy ra tham nhũng, năm 2020, có 04/04 tổ chức bị phát hiện và xử lý về hành vi tham nhũng.

Cùng thời gian, đã phát hiện và xử lý đối với 05/05 người có hành vi tham nhũng.

Cũng trong năm 2020, cơ quan điều tra đề nghị truy tố đối với 06 bị can. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã truy tố đối với 06/06 bị can do cơ quan điều tra đề nghị. Theo đó, đã kết án 06 bị cáo phạm tội tham nhũng.

Số lượng tiền, tài sản kiến nghị thu hồi qua phát hiện các hành vi tham nhũng, năm 2020, qua công tác thanh tra kiến nghị thu hồi số tiền 528.950.000 đồng, đã thực hiện xong.

Trong thu hồi bằng biện pháp hành chính, qua công tác thanh tra, phát hiện số tiền vi phạm 993.594.600 đồng, kiến nghị thu hồi số tiền 528.950.000 đồng, còn lại số tiền 464.644.600 đồng chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý theo quy định.

Về kết quả thu hồi bằng biện pháp tư pháp, qua công tác điều tra, truy tố, xét xử phát hiện với số tiền 229.479.835.500 đồng, đã thu hồi được số tiền 15.071.278.500 đồng.

Một số kiến nghị

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ ban hành quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN.

Kiến nghị Thanh tra Chính phủ ban hành văn bản thay thế Thông tư số 04/2014/TT-TTCP ngày 18/9/2014 quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác PCTN.

Thanh tra Chính phủ sớm xây dựng Quy chế Phối hợp trong kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định tại Điều 30 Luật PCTN và khoản 2 Điều 1 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ hướng dẫn người có nghĩa vụ kê khai giữ chức vụ từ cấp phó trưởng phòng trở lên phải kê khai hàng năm theo 105 lĩnh vực tại Phụ lục III của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP.

Trịnh Huyền