Tuyên bố này được đưa ra vài tuần sau khi ông Saied sa thải Thủ tướng và đình chỉ Quốc hội vì cho rằng, cần phải ổn định một quốc gia đang lâm vào khủng hoảng kinh tế và sức khỏe.

Tuyên b ca Tng thng

Ông Kais Saied - một nhà lãnh đạo không có đảng phái đứng sau, đã tuyên bố sẽ "đại tu" một hệ thống chính trị phức tạp đang bị ảnh hưởng bởi tham nhũng.

Nói chuyện với 2 kênh truyền hình cuối tuần qua, ông Saied cho biết, sẽ thành lập một Chính phủ mới "càng sớm càng tốt" sau khi chọn "những người liêm chính nhất".

Tuy nhiên, ông từ chối đưa ra một mốc thời gian cụ thể.

Ông Saied cũng nói trên đài truyền hình rằng, "người dân Tunisia bác bỏ Hiến pháp". Các điều lệ là "không vĩnh cửu" - Tổng thống nói thêm và tuyên bố, "chúng ta có thể đưa ra các sửa đổi cho Hiến pháp".

Nhng ý kiến trái chiu

Vấn đề sửa đổi Hiến pháp mà Tổng thống đưa ra gặp phải những ý kiến trái chiều, trong bối cảnh có nhiều bất đồng quan điểm giữa các đảng phái chính trị.

Đảng Hồi giáo Ennahdha - đảng chiếm ưu thế trong Quốc hội Tunisia bác bỏ kế hoạch mà Tổng thống đưa ra.

Trong một tuyên bố, Đảng Ennahdha nhấn mạnh "sự bác bỏ dứt khoát những nỗ lực của một số đảng đối đầu với tiến trình dân chủ... nhằm thúc đẩy những lựa chọn vi phạm các quy định của Hiến pháp".

Ennahdha nói thêm rằng, họ sẽ phản đối "dự định đình chỉ áp dụng Hiến pháp và thay đổi hệ thống chính trị, có thể thông qua một cuộc trưng cầu dân ý".

Trước đó, Ennahdha - đảng thành công nhất kể từ năm 2011, là thành viên của các Chính phủ liên minh kế tiếp - đã cáo buộc Tổng thống vượt quá quyền lực của mình, đe dọa nền dân chủ non trẻ của đất nước.

Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia (UGTT), một tổ chức có ảnh hưởng lớn, cho đến nay vẫn ủng hộ Tổng thống Saied, nhưng cũng bác bỏ mọi kế hoạch “đình chỉ Hiến pháp” và kêu gọi tổ chức bầu cử lập pháp sớm để Quốc hội mới có thể xem xét các thay đổi Hiến pháp tiềm năng.

Cuc khng hong ca Tunisia

Ông Saied, một giáo sư ngành Luật, được bầu làm Tổng thống vào năm 2019, đã tự nhận mình là người làm sáng tỏ sau cùng của Hiến pháp.

Ông đã viện dẫn quyền lực đó vào ngày 25/7 để sa thải Thủ tướng, đóng băng Quốc hội và tước quyền miễn trừ của các nghị sĩ, đồng thời nắm giữ mọi quyền hành pháp.

Việc giành quyền lực của ông diễn ra trong bối cảnh cuộc đấu đá nội bộ liên tục về mặt lập pháp đã làm tê liệt khả năng quản lý đất nước. Tiếp sau đó là một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng bao gồm giam giữ, cấm đi lại và quản thúc tại gia các chính trị gia, doanh nhân và quan chức tư pháp.

Hiện, ông Saied vẫn chưa chỉ định một Chính phủ mới hoặc tiết lộ lộ trình tiến tới bình thường hóa, bất chấp những yêu cầu của các đảng phái chính trị.

Các động thái của ông bị chỉ trích bởi các thẩm phán và đảng đối đầu, đặc biệt là Ennahdha.

Một số người dân Tunisia - những người phản đối tham nhũng, cho rằng tầng lớp chính trị của họ đã có hành vi sai phạm, vi phạm đạo đức nhưng không bị trừng phạt và không cải thiện được mức sống của người dân trong hơn một thập kỷ kể từ cuộc biểu tình Mùa Xuân Ả Rập - coi đây là một hành động cần thiết.

Tunisia được ca ngợi là một câu chuyện dân chủ thành công hiếm hoi ở Trung Đông và Bắc Phi, đã phải vật lộn với những thảm họa kinh tế nghiêm trọng và đại dịch COVID-19 trước khi rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất.

Đầu tháng này, các nhà ngoại giao từ các quốc gia G7 (Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ) đã kêu gọi Tổng thống Saied đưa Tunisia trở lại “một trật tự Hiến pháp”.

Đức Anh