Một cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc đã làm dấy lên nghi ngờ về tính hợp pháp của chiến thắng của tân Thủ tướng lâm thời Libya, ông Abdul Hamid Dbeibah.

Ông bị cáo buộc đã thắng cử sau khi những người ủng hộ ông đã sử dụng khoản hối lộ trị giá lên tới 200.000 đô la để thu hút phiếu bầu.

Những người ủng hộ ông được cho là đã thực hiện hành vi hối lộ trong một khách sạn ở thành phố Tunis, nơi diễn đàn đối thoại chính trị gồm 75 thành viên do Liên Hợp Quốc lựa chọn đã nhóm họp để bầu ra một Thủ tướng lâm thời lãnh đạo một cơ quan hành pháp thống nhất mới, hướng tới cuộc tổng tuyển cử toàn quốc diễn ra vào tháng 12.

Cuộc điều tra báo cáo rằng một cuộc tranh cãi đã nổ ra tại sảnh của khách sạn sau khi các đại biểu phát hiện ra rằng khoản hối lộ cho lá phiếu của họ thấp hơn mức được đưa ra một cách bí mật cho những người khác. Một đại biểu nghe nói rằng số tiền hối lộ có thể lên tới 500.000 đô la.

Văn phòng Thủ tướng lâm thời cho rằng các tuyên bố này là tin tức giả được đưa ra để làm gián đoạn công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc sẽ được công bố vào ngày 15 tháng 3 sau khi đặc phái viên Liên Hợp Quốc khi đó về Libya, bà Stephanie Williams yêu cầu thực hiện cuộc điều tra về các cáo buộc hối lộ.

Theo kết quả cuộc điều tra, hai thành viên tham gia diễn đàn bị cáo buộc đã đưa hối lộ từ 150.000 đến 200.000 đô la cho ít nhất ba thành viên khác, miễn là họ hứa sẽ bỏ phiếu bầu cho ông Dbeibah làm Thủ tướng.

Tin đồn về vụ hối lộ tại diễn đàn đối thoại đã nhanh chóng lan rộng vào thời điểm đó. Đa số các thành viên diễn đàn đã ủng hộ nhóm ứng cử viên gồm 4 người của ông Dbeibah và bác bỏ những gì được coi là chiếc vé có khả năng đem về chiến thắng của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Fathi Bashagha, và Chủ tịch Quốc hội Libya, Ageela Saleh, hai nhân vật nổi bật từ đến từ phía Tây và phía Đông của quốc gia Bắc Phi này.

Bà Elham Saudi, Giám đốc Tổ chức Luật sư vì Công lý tại Libya, đồng thời là thành viên của diễn đàn, cho biết: “Tình hình hiện nay của chúng ta là kết quả của việc Liên Hợp Quốc đã ưu tiên những phương thức dù hiệu quả nhưng có thể không hợp lý về mặt đạo đức, lên trên cả trình tự công bằng (due process).

“Nguyên nhân sâu xa của điều này là do Liên Hợp Quốc đã không có được những tiêu chí đánh giá có ý nghĩa để phục vụ cho quá trình điều tra những cá nhân mà Liên Hợp Quốc cáo buộc là có những hành vi tham nhũng hoặc tác động tiêu cực đến quyền con người. Cách tiếp cận đó hiện đang có nguy cơ làm suy giảm độ tin cậy của toàn bộ quá trình”. Bà Saudi đã bỏ phiếu trắng tại diễn đàn do lo ngại về quá trình này.

Vào thứ Bảy vừa qua, sáu thành viên nữ khác của diễn đàn đã đưa ra một tuyên bố bác bỏ những tin đồn trên mạng xã hội rằng họ đã nhận hối lộ. Họ kêu gọi Liên Hợp Quốc công bố báo cáo để chấm dứt những nhận xét tiêu cực về họ.

Cương lĩnh Vì hòa bình của Phụ nữ Libya, một liên minh của các tổ chức nhân quyền, đã viết thư cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông António Guterres, hôm Chủ nhật để nói rằng: “Tin tức gây sốc về hối lộ đã thách thức toàn bộ quy trình của diễn đàn”. Họ cảnh báo rằng bất kỳ sự thất bại nào trong việc công bố kết quả cuộc điều tra hoặc cách chức những người có liên quan sẽ làm suy yếu toàn bộ quá trình đối thoại và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử trong tương lai. Thông tin chi tiết về kết quả cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc đã được tiết lộ cho Hãng tin AFP.

Cuộc khủng hoảng khiến Liên Hợp Quốc lâm vào tình thế khó xử.

Lựa chọn thứ nhất là Liên Hợp Quốc hủy bỏ kế hoạch để một Chính phủ lâm thời để tiến hành cuộc bầu cử vào ngày 24 tháng 12, và thay vào đó là tổ chức sớm các cuộc bầu cử đó.

Lựa chọn thứ hai là Liên Hợp Quốc tuyên bố chiến thắng của ông Dbeibah là không hợp lệ, giao chính phủ cho nhóm có số phiếu bầu đứng thứ hai, có nghĩa là ông Bashagha sẽ đóng vai trò là Thủ tướng.

Lựa chọn thứ ba là chấp nhận rằng bằng chứng do các chuyên gia thu thập được là không đủ chắc chắn và chấp nhận rằng những lời phủ nhận của ông Dbeibah là chính xác.

Các nước EU đã đầu tư rất nhiều vào tiến trình của diễn đàn đối thoại chinh trị của Liên Hợp Quốc và không hề mong muốn tiến trình ấy bị đảo ngược.

Hạ viện của Libya, Quốc hội Libya, họp tại Sirte vào thứ hai, một thành phố tập trung nhiều lính đánh thuê Nga và Sudan, để bỏ phiếu tín nhiệm vào Chính phủ mới, nhưng vụ bê bối hối lộ mới và việc ông Dbeibah không thể công bố Nội các của mình đã đã khiến cuộc bỏ phiếu có nguy cơ bị hủy bỏ.

Chính phủ lâm thời được cho là sẽ tập hợp các thể chế bị chia rẽ của Libya, nhưng ông Dbeibah đã sớm vướng phải rắc rối khi đưa ra một loạt nhận xét mang tính phân biệt giới tính trong cuộc họp báo đầu tiên của mình và phản đối cam kết để phụ nữ giữ 30% chức vụ bộ trưởng.

 
 
Minh Tuấn (Theo The Guardian)