Được thiết lập để điều tra gian lận tài chính của ngân sách hệ thống các quỹ Liên minh Châu Âu (EU), ước tính khoảng 60 tỷ euro mỗi năm, theo kế hoạch, văn phòng có trụ sở tại Luxembourg sẽ khởi động các cuộc điều tra đầu tiên vào tháng 6 này.

EPPO do bà Laura Codruta Kovesi - một người Romania nổi tiếng trong nước về trấn áp tham nhũng - đứng đầu.

Trong một tuyên bố hồi đầu tuần, bà Kovesi cho biết, Slovenia có "biểu hiện thiếu hợp tác chân thành" sau sự chậm trễ trong việc tuyển dụng các công tố viên được ủy quyền.

Theo cơ cấu tổ chức, EPPO bao gồm Trưởng Công tố châu Âu và công tố viên châu Âu đại diện cho mỗi quốc gia thành viên.

Các công tố viên được ủy quyền, được lấy từ các quốc gia thành viên, sẽ thay mặt EPPO tại các quốc gia thành viên và có quyền hạn tương tự như các công tố viên quốc gia về điều tra, truy tố và chuyển vụ án qua toà để xét xử.

Họ cũng sẽ chịu trách nhiệm về các cuộc điều tra và truy tố mà họ đã khởi xướng hoặc được phân công. Họ có quyền yêu cầu đưa vụ án ra xét xử, tham gia vào việc thu thập bằng chứng và thực hiện các biện pháp điều tra khác phù hợp với luật pháp quốc gia thành viên. Mỗi quốc gia thành viên sẽ có hai hoặc nhiều công tố viên được uỷ quyền.

Tuy nhiên, Slovenia hiện vẫn chưa đưa ra các ứng cử viên của họ cho vị trí này - mặc dù các thủ tục đã được hoàn tất vào đầu tháng 12 năm ngoái.

Theo quy trình, Slovenia lựa chọn những ứng viên trong nội bộ. Những cái tên sau đó sẽ được Bộ Tư pháp gửi cho Trưởng Công tố châu Âu để phê duyệt.

Cho tới nay, không có cái tên nào của Slovenia được nêu ra, khiến cho việc khởi động hoạt động của EPPO vào ngày 1/6 gặp khó khăn. Chưa kể, EPPO cũng cần thêm thời gian để đào tạo và trang bị cho những người được đề cử vào các vị trí.

Người phát ngôn của EPPO Tine Hollevoet cho biết, thời hạn cho Slovenia đã trôi qua, đồng nghĩa với việc giờ đây họ có thể phải bắt đầu trong thiếu nhân sự.

"Từ quan điểm thực tế, điều này làm cho công việc của chúng tôi thậm chí còn khó khăn hơn... Chúng tôi phải sắp xếp lại tổ chức nội bộ của mình để bù đắp cho các công tố viên được ủy quyền của châu Âu bị thiếu ở Slovenia", bà Tine Hollevoet cho biết thêm.

Thế nhưng, Slovenia không phải là quốc gia EU duy nhất chưa gửi danh sách ứng cử viên. Công tác này tại Síp, Phần Lan, Hy Lạp và Luxembourg cũng đang bị đình trệ.

EPPO cho biết, những ứng viên này sẽ sớm đến. Còn “đối với Slovenia, chúng tôi không biết", Hollevoet nói.

Khi được đặt câu hỏi về sự chậm trễ, người phát ngôn của Chính phủ Slovenia vẫn chưa có câu trả lời.

Bản thân Slovenia sẽ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên 6 tháng của EU vào tháng 7 tới.

22 trong số 27 quốc gia EU đã tham gia EPPO. Hungary, Ba Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Ireland cho đến nay đã từ chối tham gia.

EPPO được thành lập theo Quy định 1939 ngày 12/10/2017 của EU – là cơ quan công tố “siêu quốc gia” đầu tiên phụ trách công tác điều tra và truy tố tội phạm trong phạm vi EU.

EPPO có nhiệm vụ tiến hành các cuộc điều tra và truy tố các đối tượng phạm tội gian lận, lạm dụng chiếm đoạt ngân sách các quỹ của EU như: Quỹ khu vực, quỹ chính sách nông nghiệp chung châu Âu… Hoạt động của EPPO nhằm tăng cường bảo vệ lợi ích tài chính của EU, kết nối khoảng cách trong hoạt động hợp tác và tương trợ tư pháp về hình sự giữa các cơ quan chuyên trách thuộc EU.

Hoài Phương