Rõ ràng, cụ thể, dựa trên một tiêu chí

 + Tháng 7/2021, TTCP ban hành bộ chỉ số chuẩn để đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2020. Xin ông cho biết, so với phương pháp đánh giá mà TTCP vẫn thực hiện trước đây thì phương pháp đánh giá theo bộ chỉ số này có những điểm mới căn bản nào? 

 - Ông Phí Ngọc Tuyển: TTCP ban hành bộ chỉ số và tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2020 với mục đích là đánh giá đúng, khách quan và khuyến khích những nỗ lực của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác PCTN. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp trong việc thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.

Ưu điểm lớn nhất của bộ chỉ số này so với biện pháp đánh giá công tác PCTN trước đây là rõ ràng, cụ thể, tất cả các tỉnh, thành được đánh giá dựa trên cùng một bộ chỉ số, tương đối ở các mức độ bằng nhau. Kết quả đánh giá phải căn cứ vào bộ chỉ số, các tiêu chí đánh giá và tài liệu chứng minh về công tác PCTN, mỗi tiêu chí đánh giá đều yêu cầu số liệu, tài liệu chứng minh tương ứng cụ thể.

Trước đây những nhận xét, đánh giá về công tác PCTN chung chung, qua những mỹ từ như là “tích cực”, “tăng cường”, “đẩy mạnh”, không cụ thể. Ngoài ra, việc xây dựng báo cáo không thống nhất, cách đánh giá, cách nhìn nhận mỗi nơi một khác, mặc dù có tiêu chí báo cáo giống nhau nhưng nhận xét, đánh giá, nhận định lại khác nhau, mang nhiều yếu tố chủ quan, không có định lượng.

Đây là cái khác biệt so với cũ.

+ Theo ông, đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh có ý nghĩa như thế nào đối với việc nâng cao hiệu quả công tác PCTN trong phạm vi quản lý Nhà nước ở địa phương?

- Ông Phí Ngọc Tuyển: Việc đánh giá nhằm phản ánh một cách khách quan, toàn diện và khuyến khích UBND tỉnh nỗ lực trong công tác PCTN, xây dựng văn hóa chống tham nhũng, từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng thông tin, báo cáo về công tác PCTN và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác PCTN.

Một bản đánh giá của địa phương là bản đo lường kết quả PCTN của chính địa phương đó. Kết quả đánh giá sẽ chỉ ra cho địa phương biết khâu nào là khâu mạnh, khâu nào yếu. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ điều chỉnh các mặt công tác trên cơ sở đánh giá và sẽ biết tìm cách khắc phục, phát huy được cái mạnh và sẽ khắc phục những hạn chế, tồn tại trong các khâu.

Những năm gần đây, nhiều địa phương rất quan tâm đến việc đánh giá này. Các tổ công tác lúc đầu chỉ giao cho Thanh tra tỉnh làm tổ công tác đánh giá, thậm chí giao phó chánh thanh tra làm tổ trưởng, nhưng dần dần các địa phương nhận ra được việc đánh giá về công tác PCTN rất quan trọng, nên có nơi đã yêu cầu chánh thanh tra là tổ trưởng, có nơi thì yêu cầu phó chủ tịch tỉnh là tổ trưởng để tổ chức đánh giá, vì ở nhiều nơi, Bí thư Tỉnh ủy rất quan tâm đến vấn đề này. Phải nói, người quan tâm nhất đến công tác đánh giá này là ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Từ năm 2020, việc đánh giá được thực hiện theo Luật PCTN 2018, vì vậy, kết quả đánh giá đã được gửi cho Tỉnh ủy, ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh. Việc này sẽ thúc đẩy quá trình đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh ngày càng rõ nét và chính xác hơn.

Thực tế cho thấy, đây là đánh giá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm các mặt quản lý, cả lĩnh vực tư pháp, kể cả công tác kiểm tra của Đảng, gần như tổng động viên toàn bộ hệ thống chính trị tại các địa phương vào cuộc. Chính vì lẽ đó mà dần dần đẩy mạnh quyết tâm chính trị của địa phương, giúp PCTN tốt hơn.

+ Một số ý kiến cho rằng, bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh còn có những điểm chưa phù hợp với thực tế, dẫn tới kết quả đánh giá phản ánh còn chưa đúng bản chất của thực tiễn công tác PCTN ở một số địa phương. TTCP là cơ quan chủ trì xây dựng bộ chỉ số đánh giá, ông nói sao về điều này?

- Ông Phí Ngọc Tuyển: Bộ chỉ số đánh giá được TTCP ban hành cơ bản đánh giá được toàn diện các mặt hoạt động công tác PCTN. Tuy nhiên, do trình độ phát triển mỗi địa phương khác nhau nên có chỗ phù hợp, có chỗ chưa phù hợp và có những chênh lệch nhỏ nhất định, rồi có điểm phù hợp hơn với địa phương này nhưng chưa phù hợp với địa phương khác, như không thể đem nguyên bản TP Hồ Chí Minh so với nguyên bản Lai Châu, nhưng những điều chưa phù hợp đó là rất nhỏ, hầu như không ảnh hưởng đến kết quả đánh giá chung. Mà bộ chỉ số đánh giá vẫn phản ánh đúng, đầy đủ, rõ ràng bản chất của quá trình PCTN cấp tỉnh.

Trong bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh, có 3 phần: Phần điều hành chung; phần công tác phòng ngừa và phần phát hiện xử lý. Có một số nơi lập luận nếu công tác phòng ngừa tốt thì không có tham nhũng, vì không có tham nhũng nên không phát hiện được và vì thế không xử lý được. Họ đã lấy lý thuyết “bình thông nhau”, cái này tốt rồi thì không có cái kia.

Thực tiễn công tác PCTN không như vậy, mà cho dù mình làm tốt đến mấy công tác phòng ngừa thì tham nhũng vẫn có, nếu mình không đẩy mạnh công tác phát hiện thì phòng ngừa cũng không có tác dụng. Cho nên, quan điểm của Đảng về công tác PCTN là: Tiến hành đồng thời phòng ngừa và phát hiện, lấy phòng ngừa là cơ bản, phát hiện và xử lý kiên quyết mạnh mẽ.

Tiến tới đánh giá công tác PCTN cho bộ, ngành Trung ương

+ Mới đây, TTCP đã ban hành Kế hoạch 1762/KH-TTCP lựa chọn 3 bộ để nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số và thí điểm đánh giá công tác PCTN năm 2021. Bộ chỉ số này có gì khác so với bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh, thưa ông?

- Ông Phí Ngọc Tuyển: Hiện nay, đang triển khai thí điểm bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cho 3 bộ: Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện cho 3 lĩnh vực khác nhau của Chính phủ, tiến tới đánh giá toàn bộ công tác PCTN cho bộ, ngành Trung ương.

Về cơ bản vẫn dựa vào bộ chỉ số đã ban hành theo Luật PCTN 2018, nhưng cụ thể hóa ra, có thể điều chỉnh cơ cấu điểm như: Hoàn thiện chính sách nhiều hơn, phần quản lý ít hơn, chỉ có thanh tra, kiểm tra, chứ không có điều tra, truy tố, xét xử…

Bên cạnh đó, xây dựng bộ chỉ số đánh giá cấp bộ phải phù hợp với đặc thù, đặc trưng của từng ngành, lĩnh vực.

Theo đó, cơ quan cấp bộ phạm vi quản lý tác động cả nước, lĩnh vực hẹp hơn, đương nhiên thẩm quyền, phạm vi cũng phải điều chỉnh lại. Công tác của cấp bộ nặng về ban hành chính sách, ví như PCTN về giáo dục thì cơ quan giáo dục phải rà soát để loại bỏ nguy cơ tham nhũng do chính sách giáo dục ban hành.

Việc tổ chức triển khai thì cấp bộ cũng chỉ triển khai ở mức độ tổ chức văn bản, không thể chịu trách nhiệm ở địa phương được.

Đối với địa phương, 63 tỉnh, thành về cơ bản có hoạt động PCTN giống nhau, còn ở bộ thì không bộ nào giống bộ nào, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý lĩnh vực giáo dục, Bộ Tài chính quản lý tài chính, Bộ Công thương quản lý thị trường, thương mại, lưu thông… mỗi bộ có lĩnh vực khác nhau.

+ Để việc đánh giá công tác PCTN đảm bảo thực chất và hiệu quả, theo ông, thời gian tới, việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá cần được triển khai theo hướng nào?

Ông Phí Ngọc Tuyển: Bộ chỉ số đánh giá thể hiện ý chí chủ quan của cơ quan quản lý Nhà nước. Hiện nay, bộ chỉ số đánh giá đã được quy định theo Luật PCTN 2018. Do đó, cho đến bao giờ luật thay đổi thì sửa theo luật. Nhưng từ bộ tiêu chí đến chi tiết hóa để có bộ chỉ số có sự điều chỉnh phù hợp với sự thay đổi của quá trình phát triển. Theo thời gian, công tác PCTN sẽ thay đổi dần, lúc đó yêu cầu sẽ thay đổi và tiêu chí sẽ thay đổi.

Đơn cử, ban đầu người ta không chú ý thu hồi tài sản trong xử lý tham nhũng mà chỉ tập trung vào xử lý người tham nhũng, phát hiện ra nhiều người tham nhũng. Nhưng bây giờ, chúng ta đã chú ý đến công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Hay như trước đây không chú ý nhiều đến loại bỏ nguy cơ tham nhũng trong ban hành chính sách, nhưng bây giờ lại chú ý hơn vấn đề này.

Khi những nét cơ bản trong chủ trương hình thành nên thì sẽ cụ thể hóa tiêu chí ấy. Do đó, TTCP luôn bám sát vào định hướng Ban Chỉ đạo để xây dựng bộ tiêu chí và chỉ số đánh giá.

Hiện nay, TTCP đang khuyến khích các bộ, ngành, địa phương xây dựng bộ chỉ số tương ứng dựa trên tiêu chí để đánh giá cấp cơ sở của mình.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thái Hải