Báo cáo tự đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2020 của UBND tỉnh Ninh Bình do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng ký ngày 5/10/2021 nêu rõ, công tác PCTN tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo… Qua đó, có tác động sâu, rộng đến ý thức việc chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN đã đi vào nề nếp theo hướng thiết thực, hiệu quả; các cơ quan, đơn vị có sự chủ động, phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng được tăng cường; đã phát hiện và xử lý kịp thời, kiên quyết, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng, được nhân dân đồng tình, có tác dụng răn đe và giáo dục.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Ninh Bình, năm 2020, công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn được triển khai có trọng tâm, trọng điểm tập trung ngành, lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí, tiêu cực; chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch, thực hiện rà soát chồng chéo các cuộc thanh tra trình cấp có thẩm phê duyệt.

Toàn ngành Thanh tra đã tiến hành 93 cuộc thanh tra hành chính và 262 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm 34.666 triệu đồng, trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 16.150 triệu đồng và 7.311,8m2 đất (đã thu 14.149,6 triệu đồng, đạt tỷ lệ 87,6%); kiến nghị xử lý khác 16.652 triệu đồng và 51.971 m2 đất; tịch thu hàng hóa vi phạm với giá trị 1.864 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2.839,2 triệu đồng.

Toàn tỉnh tiến hành 17 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN tại 17 đơn vị. Qua thanh tra cho thấy, việc công khai minh bạch còn có cơ quan, đơn vị thực hiện chưa đầy đủ, công tác kiểm tra nội bộ phòng, ngừa, phát hiện vi phạm còn hạn chế. Chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra giải quyết đối với nguyên công chức văn hóa phụ trách lao động, thương binh và xã hội xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao tự ý làm giả hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền mai táng cho 11 trường hợp là người có công, đối tượng bảo trợ xã hội để chiếm đoạt tổng số tiền là 35.400.000 đồng.

Năm 2020 toàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 61/69 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 88,4%. Qua tiếp nhận, giải quyết đơn tố cáo phát hiện hành vi tham nhũng đối với Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình thụ lý giải quyết theo quy định.

Tiếp nhận 06 tin phản ánh hành vi có dấu hiệu tham nhũng. Qua xem xét có 04 tin phản ánh phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng và được cơ quan điều tra khởi tố.

Các cơ quan tố tụng tỉnh Ninh Bình tiến hành điều tra, khởi tố 06 vụ, 14 bị can (kỳ trước chuyển sang 02 vụ, 06 bị can) phạm tội về tham nhũng. Kết thúc điều tra, chuyển viện kiểm sát truy tố 03 vụ, 07 bị can; đã đưa ra xét xử 03 vụ 07 bị cáo gồm: Tội “tham ô tài sản” 01 vụ, 01 bị cáo; “giả mạo trong công tác” 01 vụ, 05 bị cáo; “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” 01 vụ, 01 bị cáo.

Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng được các cơ quan tố tụng phối hợp chặt chẽ, trú trọng việc phát hiện và thực hiện các biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng cụ thể: Các vụ án tham nhũng năm 2020 về tiền, tài sản tham nhũng quy đổi thành tiền kiến nghị thu hồi là 1.179.108.660 đồng; số tiền đã thu hồi qua biện pháp hành chính 1.179.108.660 đồng đạt tỷ lệ 100%. Số tiền, tài sản thu hồi qua biện pháp tư pháp cụ thể: Thu hồi tài sản tham nhũng những năm trước chuyển sang là 434.783.000 đồng; đã thu hồi bởi cơ quan thi hành án tại kỳ đánh giá là 85.034.000 đồng; số còn phải thu hồi 349.749.000 đồng.

Một số tồn tại, hạn chế

Tình hình tham nhũng năm 2020 vẫn xảy ra về quy mô, mức độ không lớn, còn diễn ra ở một số lĩnh vực trong quản lý đất đai, y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, chính sách xã hội; việc ban hành, tổ chức thực hiện một số chế độ chính sách Nhà nước chưa kịp thời, còn bất cập, một số cán bộ lợi dụng chức trách nhiệm vụ được giao để tham nhũng.

Công tác tuyên truyền chất lượng, hiệu quả chưa cao; công tác kiểm soát xung đột lợi ích còn hạn chế.

Công tác dự báo nắm tình hình, phát hiện tội phạm tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, các vụ việc sai phạm chủ yếu qua đơn thư tố cáo, phản ánh và công tác điều tra.

Công tác tự kiểm tra nội bộ tự phát hiện tham nhũng của các cơ quan, đơn vị còn hạn chế.

Trong điều tra, việc thu thập tài liệu chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội ở một số lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn; xét xử các vụ án tham nhũng thường rất phức tạp.

Việc hướng dẫn áp dụng pháp luật còn hạn chế chưa kịp thời dẫn đến các cơ quan tố tụng nhận thức và áp dụng pháp luật chưa thống nhất, còn có vụ án chưa thống nhất về đánh giá chứng cứ, quan điểm xử lý và tội danh, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng.


Huyền Anh