Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thay đổi số điện thoại di động, như một động thái bảo mật bổ sung sau thông tin cho thấy số điện thoại của ông đang bị theo dõi. Ông Macron cũng đã nhanh chóng triệu tập một cuộc họp khẩn cấp về an ninh mạng và cân nhắc phản ứng trước các cáo buộc.

Theo Báo Le Monde, các số điện thoại của ông Macron trong năm 2019 có thể đã bị một cơ quan tình báo nước ngoài do thám thông qua phần mềm mang tên “Pegasus”. Không chỉ vậy, số điện thoại của Thủ tướng khi đó là ông Edouard Philippe và 14 bộ trưởng cũng nằm trong danh sách bị rò rỉ gồm 50.000 mục tiêu có thể bị theo dõi.

Cũng trong bê bối gây chấn động này, tên của nhà báo Khadija Ismayilova cũng được nêu tại danh sách.

Khadija là người rất quan trọng đối với các cuộc điều tra trong vụ Laundromat của Azerbaijan - kế hoạch hối lộ ngoại giao kết hợp rửa tiền được xem là vụ hối lộ lớn nhất từ trước đến nay trong Hội đồng châu Âu. Trong đó, một mắt xích quan trọng là Ngân hàng Danske, ngân hàng lớn nhất của Đan Mạch. Trong suốt 12 năm, có tới 230 tỷ USD tiền bẩn đã được chuyển qua các tài khoản của ngân hàng này.

Cuộc điều tra đã cho thấy những lỗ hổng khiến Liên minh châu Âu trở thành một điểm nóng về rửa tiền. Từ đó, thúc đẩy Ủy ban châu Âu đưa ra đề xuất về một cơ quan chống rửa tiền mới - một trung tâm trong khuôn khổ giám sát tài chính của toàn khối.

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), gói đề xuất đầy tham vọng nhằm tăng cường các quy tắc chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố của Liên minh châu Âu, do Ủy ban châu Âu đưa ra ngày 20/7 là một kết quả được xây dựng dựa trên công việc can đảm của các nhà báo như Khadija. Và, đó là một trong nhiều lý do tại sao cần phải có sự nghiêm túc xem xét các cáo buộc đối với phần mềm gián điệp Pegasus.

"Nếu họ không bị trừng phạt, những báo cáo về sự giám sát của các nhà báo và xã hội dân sự có thể chịu tác động nghiêm trọng. Để đưa những bất công ra ánh sáng, mọi người cần được bảo vệ để tố cáo một cách an toàn và đứng lên chống lại sự lạm quyền", TI kêu gọi.

Mới đây, trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tại Paris ngày 28/7, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz đưa ra tuyên bố, Israel rất nghiêm túc xem xét những cáo buộc về việc phần mềm Pegasus do Tập đoàn NSO của nước này cung cấp được sử dụng để do thám các nhà báo và nhiều nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Bộ trưởng Gantz nhấn mạnh, đại diện nhóm nghiên cứu vấn đề này sẽ sớm làm việc với Công ty NSO và khẳng định Israel nghiêm túc xem xét sự việc ở mức độ cao nhất.

leftcenterrightdel
 Ảnh: Anna Lshansky / Shutterstock
 

Trước đó, ngày 22/7, các công tố viên Hungary cũng thông báo, đã mở cuộc điều tra về những cáo buộc cho rằng Chính phủ nước này sử dụng phần mềm theo dõi Pegasus, nhằm vào hàng trăm số điện thoại, trong đó có nhiều nhà báo.

Còn tại Mexico, ngày 21/7, Đơn vị Tình báo Tài chính nước này đã hé lộ những thông tin điều tra ban đầu cho thấy, các quan chức từ các chính quyền trước đây (năm 2012 đến 2018) đã chi khoảng 300 triệu USD tiền ngân sách để mua phần mềm gián điệp từ NSO Group. Đáng chú ý, số tiền này bao gồm các khoản thanh toán vượt mức, có thể đã được chuyển trở lại các quan chức Chính phủ cũ dưới dạng tiền lại quả, từ đó dấy lên nghi vấn về sự tham nhũng của Chính phủ trong các giao dịch.

Mexico có danh sách lớn nhất - khoảng 700 số điện thoại - trong hàng nghìn số được cho là được các khách hàng của NSO lựa chọn để giám sát tiềm năng.

Pegasus ra mắt từ năm 2011 và bị “đưa vào tầm ngắm” từ năm 2016, khi phần mềm này được cho là được sử dụng để chống lại một nhà hoạt động nhân quyền ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và một nhà báo ở Mexico.

Theo báo cáo về tính minh bạch và trách nhiệm của NSO công bố vào tháng 6 vừa qua, công ty có 60 khách hàng tại 40 quốc gia trên thế giới.

Báo Guardian (Anh) cho biết, những tiến bộ mới nhất trong công nghệ của NSO cho phép Pegasus có thể thâm nhập điện thoại bằng các cuộc tấn công “zero-click”, nghĩa là người dùng thậm chí không cần phải nhấp vào một liên kết độc hại thì điện thoại đã bị rò rỉ thông tin.

Một trong những nghi ngờ hàng đầu là NSO đã khai thác các lỗ hổng liên quan công cụ nhắn tin iMessage, được cài đặt trên tất cả các điện thoại iPhone và đã có thể thâm nhập máy cài phiên bản iOS mới nhất.

Ngọc Anh