Đại học Griffith và Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) Australia vừa công bố một báo cáo có tiêu đề "Hệ thống liêm chính quốc gia của Australia: Kế hoạch chi tiết cho hành động".

Đây là nghiên cứu quan trọng về tình trạng của các hệ thống liêm chính Australia, nêu thái độ của người dân đối với tham nhũng và đưa ra kế hoạch chi tiết để cải thiện phản ứng của quốc gia.

Báo cáo cho thấy, người Australia ngày càng coi tham nhũng là một vấn đề “rất lớn” hoặc “khá lớn”, tăng từ 61% vào năm 2018 lên 66% vào cuối tháng 10/2020. Tỷ lệ những người tin rằng Chính phủ liên bang đang xử lý các vấn đề tham nhũng “rất tệ” đã tăng từ 15% (năm 2018) lên 19,4% (năm 2020).

Niềm tin tổng thể vào Chính phủ thực sự được cải thiện đáng kể vào năm 2020, đối với cả Chính phủ liên bang và tiểu bang. Khoảng 17% số người được hỏi cho biết họ tin tưởng Chính phủ liên bang "rất nhiều" vào năm 2020, so với 6,7% vào năm 2017. Sự cải thiện này phần lớn là dành cho những hành động tích cực của Chính phủ đối với cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19.

Báo cáo đã đưa ra 10 khuyến nghị cho các hành động nhằm cải thiện hệ thống liêm chính của quốc gia. Trong đó bao gồm việc tạo ra một chương trình lập pháp của khối thịnh vượng chung về tham nhũng, thực thi các tiêu chuẩn của Quốc hội thông qua những quy tắc ứng xử được lập pháp và thiết lập một hệ thống tiết lộ các khoản quyên góp thời gian thực.

Bên cạnh đó, báo cáo khuyến nghị giới hạn chi tiêu chiến dịch trong các cuộc bầu cử; giới hạn đối với các khoản quyên góp chính trị; các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn đối với người tố giác khu vực công. Bên cạnh đó, đại tu hệ thống vận động hành lang và các biện pháp để đảm bảo “các chiến dịch bầu cử công bằng hơn, trung thực hơn”.

Không thể thiếu là khuyến nghị cần thành lập một ủy ban liêm chính liên bang mạnh mẽ, độc lập và có nguồn lực tốt. Đây được coi là một kế hoạch quan trọng để thúc đẩy các nỗ lực chống tham nhũng của Australia.

Báo cáo xác định, việc thiếu cơ quan giám sát chống tham nhũng liên bang là “lỗ hổng thể chế lớn nhất trong hệ thống của chúng tôi”.

Cũng theo báo cáo, các cơ quan liêm chính như Tổng Kiểm toán cần được bảo đảm tính bền vững trong cấp kinh phí, bao gồm cả việc Quốc hội phân bổ ngân sách trực tiếp trong 4 năm. Báo cáo đề xuất mức 100 triệu USD mỗi năm kinh phí cho Ủy ban Liêm chính liên bang, phòng, chống tham nhũng và bảo vệ người tố giác.

Báo cáo cho biết, các luật mới về bảo vệ nên được thực hiện cho báo chí và tiết lộ lợi ích công.

Chuyên gia về liêm chính của Đại học Griffith, giáo sư AJ Brown, cho biết, cơ quan chống tham nhũng không phải là một “viên đạn bạc”, mà là rất cần thiết.

“Chúng tôi cần sự đồng thuận chính trị về một ủy ban quốc gia mạnh mẽ, nhưng cũng phải hành động để tăng cường tính liêm chính của hệ thống chính trị và chính quyền các cấp, bao gồm những quy định hiệu quả hơn về vận động hành lang, kiểm tra ảnh hưởng quá mức và các chiến dịch bầu cử công bằng, trung thực hơn”, ông Brown nói.

Cũng theo ông Brown, “cần phải đánh giá cao sự đóng góp của những người tố cáo và báo chí vì lợi ích cộng đồng vào sự toàn vẹn của nền dân chủ của chúng ta”.

Trong khi đó, Giám đốc Điều hành TI Australia, bà Serena Lillywhite, cho biết, người dân Australia đã mạnh mẽ đề nghị các chính trị gia và công chức phải hành động một cách trung thực và liêm chính.

“Cần thiết phải có một cơ quan liêm chính khối thịnh vượng chung hoạt động độc lập, mạnh mẽ với phạm vi xem xét các hành vi phạm tội hoặc phi tội phạm làm suy yếu tính liêm chính trong việc ra quyết định khu vực công, và chỉ ra con đường cho hoạt động điều tra mới, tốt nhất và quyền điều trần công khai", bà Lillywhite nói.

Cũng theo bà Lillywhite, mặc dù trong quá khứ, Australia có một thành tích rõ ràng về tính liêm chính trong việc ra quyết định khu vực công, đổi mới dân chủ và khuôn khổ đa cơ quan để kiểm soát tham nhũng, tuy nhiên, Chỉ số Nhận thức tham nhũng của TI cho thấy, quốc gia này đang có chiều hướng đi xuống.

Hoài Phương